Meta bắt đầu dán nhãn nội dung do AI tạo ra từ tháng 5

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:15, 06/04/2024

Hãng tin AFP dẫn lời Meta - tập đoàn sở hữu hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram - ngày 5.4 thông báo sẽ bắt đầu dán nhãn nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra từ tháng 5.
Khoa học - công nghệ

Meta bắt đầu dán nhãn nội dung do AI tạo ra từ tháng 5

Cẩm Bình 06/04/2024 11:15

Hãng tin AFP dẫn lời Meta - tập đoàn sở hữu hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram - ngày 5.4 thông báo sẽ bắt đầu dán nhãn nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra từ tháng 5.

Tập đoàn tuyên bố chính sách xóa nội dung qua chỉnh sửa mà không vi phạm quy định sắp bị bãi bỏ, thay bằng biện pháp dán nhãn nhằm đảm bảo tự do ngôn luận. Nhãn “Made with AI” sẽ được dán kèm nội dung tạo bởi trí tuệ nhân tạo, nội dung có nguy cơ gây hiểu lầm cao dùng một nhãn khác.

meta.jpg

Động thái trên nhằm đáp ứng yêu cầu từ hội đồng giám sát các quyết định kiểm duyệt nội dung của Meta. Hai tháng trước hội đồng yêu cầu tập đoàn xem xét lại cách tiếp cận đối với nội dung qua chỉnh sửa, trong bối cảnh AI phát triển thần tốc và nội dung giả mạo (deepfake) dễ dàng lan truyền.

Phó chủ tịch Monika Bickert cho biết: “Chúng tôi đồng ý rằng minh bạch và cung cấp thông tin bối cảnh của nội dung là cách tốt với nội dung loại này. Phạm vi nội dung dán nhãn sẽ rộng hơn khuyến nghị từ hội đồng giám sát”.

Tháng 2 vừa qua, nhiều “ông lớn” công nghệ và công ty phát triển AI ký kết thỏa thuận dùng biểu tượng mờ chèn ẩn (watermark) dán nhãn nội dung tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, nhằm đối phó tình trạng nội dung qua chỉnh sửa đánh lừa cử tri trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo giám đốc Onepoint (công ty cung cấp phần mềm quản lý hoạt động doanh nghiệp) Nicolas Gaudemet: “Dán nhãn nội dung AI tốt hơn là không làm gì, nhưng chắc chắn có lỗ hổng. Chẳng hạn phần mềm nguồn mở không bao giờ dùng biểu tượng mờ chèn ẩn như các công ty lớn uy tín”.

Dù chuẩn bị thực thi chính sách mới, Meta vẫn cam kết xóa nội dung qua chỉnh sửa vi phạm quy định như mang ngôn từ kích động hoặc tác động đến cử tri.

Nội dung giả mạo (deepfake) do AI tạo ra đang là vấn đề nhức nhối. Cùng với sự phát triển của công nghệ, âm thanh hay hình ảnh deepfake không còn thô thiển, cứng ngắc dễ nhận biết mà ngày càng tinh vi, giống hệt, đặt ra thách thức lớn cho nỗ lực chống thông tin xấu độc cũng như hành vi lừa đảo.

Thời gian qua xuất hiện không ít deepfake về Tổng thống Mỹ Joe Biden, giả giọng ông kêu gọi người dân không tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang New Hamshire, hay một đoạn phim chỉnh sửa cho thấy ông sàm sỡ phụ nữ.

Tại Pakistan, đảng của cựu Thủ tướng Imran Khan sử dụng AI tạo ra nhiều bài phát biểu mặc dù chính trị gia này đang ngồi tù.

Trước thềm tổng tuyển cử Ấn Độ, nhiều chính đảng không ngần ngại dùng nội dung AI vận động tranh cử.

Cẩm Bình