Chiều nay, tuyên án sơ thẩm vụ Tân Hoàng Minh
Sự kiện - Ngày đăng : 12:33, 27/03/2024
Chiều nay, tuyên án sơ thẩm vụ Tân Hoàng Minh
Theo kế hoạch, chiều nay (27.3), HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Tân Hoàng Minh.
15 giờ ngày 27.3, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Tân Hoàng Minh.
Trong phần đối đáp, VKS cho biết “có điều chỉnh mức án đề nghị với các bị cáo”. Cụ thể, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt được VKS đề nghị giảm mỗi người 1 năm tù, lần lượt xuống còn 8 - 9 năm và 4 - 5 năm. 13 bị cáo còn lại cũng được VKS đề nghị giảm 6 tháng hoặc chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo.
Theo VKS, các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Dũng đã phối hợp với CQĐT, nộp tiền khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư ngay giai đoạn điều tra. Việc này đã kịp thời giải tỏa bức xúc lo lắng của người dân…
Ngoài ra, VKS cũng cho biết một công ty thuộc Tân Hoàng Minh đã nộp khắc phục thêm 2 tỉ đồng. VKS đánh giá đây là những tình tiết mới, cần thiết, phù hợp để giảm nhẹ thêm hình phạt cho các bị cáo.
Trước đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng từ 9 – 10 năm tù; bị cáo Đỗ Hoàng Việt từ 5 – 6 năm tù. Các bị cáo còn lại bị VKS đề nghị xử phạt từ 24 tháng – 5 năm tù.
Bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có đề nghị VKS và HĐXX xem xét, cho ông Dũng được hưởng tình tiết “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.
Theo luật sư, trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, ông Dũng đều tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, góp sức nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án.
Ngoài ra, ông Dũng cũng tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Thực tế, ngay sau khi bị bắt tạm giam, ông Dũng đã tự nguyện có đơn xin được khắc phục hậu quả, nộp lại toàn bộ tiền trái phiếu của người dân. Sau đó, ông Dũng đã tích cực, tự nguyện phối hợp với Công ty Tân Hoàng Minh và gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Luật sư cho rằng điều này thể hiện sự quyết tâm của ông Dũng trong việc khắc phục bằng được hậu quả của vụ án và kết quả là toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng đã được khắc phục, dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Tại tòa, luật sư cũng cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ của ông Dũng. Cụ thể, bị cáo Đỗ Anh Dũng là người sáng lập và lãnh đạo xuất sắc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong suốt 30 năm qua. Cá nhân ông Dũng cũng như tập đoàn do ông lãnh đạo đã được tặng thưởng hơn 30 bằng khen, giấy khen, giải thưởng…
Các sản phẩm bất động sản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh do ông Dũng lãnh đạo cũng được nhiều tổ chức xếp hạng, cũng như khách hàng đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, luật sư nhận thấy có đủ cơ sở để áp dụng thêm cho ông Dũng 3 tình tiết giảm nhẹ, gồm: “Người phạm tội đã có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, các hoạt động thiện nguyện”, “Người phạm tội là con của người có công với cách mạng và với đất nước”, “Người phạm tội được rất nhiều bị hại xin giảm nhẹ hình phạt”.
Như vậy, luật sư mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, nguyên nhân, bối cảnh kinh tế/pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm xảy ra vi phạm, ý thức của bị cáo đối với hành vi phạm tội... để từ đó đánh giá khách quan, công tâm cho ông Dũng được hưởng mức án thấp hơn mức án đề nghị của VKS.
Sử dụng các hợp đồng “khống”
Theo luận tội của VKS, ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo cấp dưới phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty, gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng “khống”, không có thật giữa nội bộ các công ty nêu trên để làm phương án phát hành các gói trái phiếu lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỉ đồng để huy động tiền cho tập đoàn.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối. Ngoài ra, họ còn thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Chưa hết, các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.
VKS xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.