Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:43, 19/03/2024
Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi, nhưng kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2024, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá.
"Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng đề nghị và mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong".
Cụ thể là tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng cũng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam theo tinh thần "ba đẩy mạnh".
Cụ thể là: đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao…
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết "ba bảo đảm", đẩy mạnh "ba đột phá" và thực hiện "ba tăng cường".
"Ba bảo đảm" gồm: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và các xu thế lớn của thời đại như ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
Ngoài ra, Việt Nam thực hiện "ba tăng cường" gồm: Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần: "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng". Còn các nhà đầu tư "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân đong đo đếm được".
Ông Denzel Eades, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam hoan nghênh cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực 8 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm thải carbon. Ông khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch điện 8, đặc biệt phát triển LNG, năng lượng mặt trời và gió; triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với Quy hoạch điện 8.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á). Cùng với AZEC, khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh thông qua công nghệ giảm phát thải cacbon, đầu tư và tài chính.
Năm ngoái, JCCI đã thành lập Nhóm công tác thúc đẩy chuyển đổi xanh/AZEC để thúc đẩy các dự án cụ thể trong lĩnh vực này và chia sẻ thực tiễn tốt nhất với các bộ liên quan.
Phía Nhật Bản khuyến nghị sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác.
Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng. Cụ thể là bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật PPP để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
"Việt Nam không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp".
Thủ tướng Phạm Minh Chính