Kỳ 101: Immanuel Kant và khát vọng xây dựng nguyên tắc đạo đức tối cao
Văn hóa - Ngày đăng : 08:02, 19/07/2023
Kỳ 101: Immanuel Kant và khát vọng xây dựng nguyên tắc đạo đức tối cao
Cà phê là năng lượng song hành mỗi ngày của triết gia Immanuel Kant trong hành trình sáng tạo các học thuyết làm sáng rõ bản chất con người, hướng con người đến lối sống hạnh phúc.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mìnhcũng làm được và làm tốt hơn!
Triết học vì con người và cho con người
Thế kỷ 17 – 18, Khai sáng được xem là cuộc cách mạng tư tưởng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là thời đại mà năng lực lý trí được con người sử dụng tối đa để mở rộng kiến thức, duy trì quyền tự do cá nhân và đảm bảo hạnh phúc. Con người đã chứng minh được năng lực cải tạo thực tiễn, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn khi hàng loạt thành tựu kinh tế, công nghệ, khoa học… nở rộ.
Đặc biệt, sự lạc quan về thế giới tốt đẹp hơn cùng năng lực tư duy phát triển mạnh mẽ, đã thúc đẩy các nhà tư tưởng, triết gia liên tục đặt ra những câu hỏi, thách thức những niềm tin được chấp nhận, phản biện quan điểm của nhau, để trả lời cho các vấn đề lâu đời về lối sống, đạo đức và hạnh phúc nhân loại, nhằm hướng đến mục tiêu chung xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong đó, triết gia người Đức Immanuel Kant (1724 – 1804), được xem là một trong 10 nhà tư tưởng khai sáng quan trọng đưa triết học phương Tây lên tầm cao mới. Với hệ thống triết học đồ sộ nghiên cứu con người như một chủ thể nhận thức và một chủ thể hành động, những quan điểm về đạo đức của Immanuel Kant hướng đến những giá trị chung của nhân loại, thể hiện khát vọng của con người hướng tới cái thiện, tới hạnh phúc cho mỗi cá nhân.
Xuất thân từ gia đình sùng đạo, tuổi thơ của Immanuel Kant tiếp nhận sự giáo dục từ các mục sư. Năm 16 tuổi, ông vào đại học Königsberg với tư cách là sinh viên thần học, thậm chí còn thuyết giảng ở một vài dịp đặc biệt. Thế nhưng, trưởng thành trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên, của nhận thức tư duy về tự nhiên và con người, ông bị thu hút bởi vật lý, toán học. Immanuel Kant bắt đầu nghiên cứu tác phẩm của các triết gia Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716), Christian Wolff (1679 – 1754), Isaac Newton (1643 – 1727) và hoàn thành tác phẩm đầu tiên khi 23 tuổi.
Trải qua một vài biến cố gia đình, Immanuel Kant quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học thuật và trở thành giảng viên đại học. Tại đây, vừa giảng dạy, ông vừa duy trì công việc nghiên cứu và sáng tạo các bài luận về chủ đề khoa học tự nhiên. Với tinh thần không ngừng cầu tiến, Kant đảm nhận giảng dạy nhiều môn khác nhau ngoài toán và vật lý, bao gồm địa lý, siêu hình học, triết học đạo đức… thu hút lượng lớn sinh viên kể cả giới học giả theo học.
Đặc biệt, kể từ năm 1770, Immanuel Kant dành toàn bộ thời gian và công sức vào nghiên cứu. Thành quả sau 11 năm là một loạt các tác phẩm vĩ đại ra đời: Phê phán lý tính thuần túy (1781); Phê phán lý tính thực tiễn (1788), Phê phán phán đoán (1790)… Tất cả thể hiện quan điểm triết học của Kant trên ba khía cạnh cơ bản của con người: Con người trong mối quan hệ với tự nhiên; con người trong mối quan hệ với con người, xã hội; con người trong mối quan hệ với chính mình.
Quy luật đạo đức hướng đến cái thiện và hạnh phúc
Ảnh hưởng bởi tư duy trí tuệ của thời đại Khai sáng, Immanuel Kant nhìn nhận rằng, nhà tư tưởng phải có bước đột phá trong việc sử dụng phương pháp khoa học, không chỉ khám phá những điều mới về thế giới vật chất, mà còn cải thiện cuộc sống và tổ chức xã hội loài người. Đồng thời, ông khẳng định, mục đích quan trọng của triết học là về vận mệnh con người và nền triết học về vận mệnh con người chính là vấn đề đạo đức. Do đó, Kant đã lấy con người làm trọng tâm nghiên cứu và học thuyết đạo đức của ông luôn đề cập đến giá trị con người và nhân loại.
Kant mang khát vọng xây dựng một nguyên tắc đạo đức tối cao mang tính tuyệt đối, dựa trên lý trí và tách rời khỏi cảm tính, danh lợi, hướng tới thế giới tốt đẹp mà ông gọi là “thế giới của thiên thần”. Ông đã nghiên cứu lịch sử tư tưởng nhân loại từ cổ đại đến cận đại trên tinh thần phê phán, và phát triển cấu trúc đạo đức của riêng mình trong 3 tác phẩm: Nền tảng siêu hình học đạo đức (1785), Phê phán lý tính thực tiễn (1788) và Siêu hình học đạo đức (1797).
Theo đó, Kant đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực ngày nay, là “mệnh lệnh tuyệt đối”. Mệnh lệnh tuyệt đối được Kant xem là chuẩn mực duy nhất và cao nhất để đánh giá hành vi đạo đức của con người. Nó yêu cầu mọi hành vi của con người phải xem người khác là mục đích, hướng tới những giá trị tích cực nhằm làm cho đời sống tốt đẹp, hạnh phúc, chứ không phải lấy người khác làm phương tiện để bản thân đạt được hạnh phúc riêng. Con người cảm thấy có bổn phận và trách nhiệm làm “đúng”, làm theo “lẽ phải” dù điều đó có hay không có lợi ích cho mình.
Học thuyết đạo đức của Kant còn có giá trị lớn về mặt thực hành. Không chỉ xác lập mối liên hệ giữa đạo đức với các vấn đề xã hội như pháp quyền, tôn giáo, lịch sử, Kant còn đưa ra quan điểm vượt trội về “tự do”. Theo Kant, tự do không phải là thỏa mãn sở thích cá nhân, mà phải gắn liền với những nguyên tắc đạo đức, pháp luật và trách nhiệm của cá nhân trước bản thân và cộng đồng. Tự do đòi hỏi con người không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo các nguyên tắc đạo đức để làm chủ chính mình trong mọi tình huống.
Lý luận về tự do của Kant có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục và phát triển nhân cách con người. Đồng thời, Kant đóng góp một bước tiến vượt thời đại, khi dự báo trong tương lai nhân quyền sẽ trở thành một trong nhiều vấn đề cốt yếu của nhân loại. Quả thật, đạo đức học của Kant đã được đưa vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948), các Hiệp ước Chính trị và Kinh tế (1966) và Tòa án Hình sự Quốc tế (2002).
Immanuel Kant không chỉ luận giải mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, mà tiến xa hơn với các vấn đề mang tầm nhân loại. Tuy các nguyên tắc đạo đức của Kant ít đề cập đến khía cạnh giai cấp, dân tộc, nhưng lại nhấn mạnh đến giá trị chung, mang tính phổ quát toàn nhân loại, thích dụng cho mọi dân tộc, mọi thời đại. Đặc biệt, học thuyết của Kant nổi bật với ý tưởng xây dựng một nền hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại, một nền hòa bình được xây dựng trên cơ sở liên minh của các dân tộc. Trong “Bản phác thảo triết học ngắn về Hòa bình vĩnh viễn” (1795), Kant vạch ra những điều kiện tiên quyết để tạo ra một nền hòa bình lâu dài. Đương thời, đề xuất này được đánh giá là xa rời thực tế, nhưng trong thế kỷ 20, nó nhận được nhiều sự chú ý và được xem là tiền thân của Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc .
Trên hành trình xây dựng một nguyên tắc đạo đức phổ quát, nhằm hướng con người đến sự thiện tối cao và lối sống hòa bình, hạnh phúc, cà phê – thức uống thăng hoa trí tuệ được giới tri thức khai sáng yêu thích, đã luôn song hành với triết gia Immanuel Kant. Thưởng thức cà phê trở thành một nếp sinh hoạt trong lịch trình cố định hàng ngày của Kant: thức dậy, uống cà phê, viết lách, giảng bài, đi dạo.
Được xem là một nhà triết học có cuộc sống trật tự, có quy luật, Immanuel Kant đã biến “sự đồng nhất nhất định” trong lối sống của mình từ một thói quen đơn thuần thành một nguyên tắc đạo đức. Đến những ngày cuối đời, Kant vẫn gắn bó với thói quen thưởng thức cà phê và thường xuyên yêu cầu phục vụ cà phê “ngay tại chỗ”. Trong tác phẩm Những ngày cuối cùng của Immanuel Kant (1827), Thomas de Quincey mô tả rằng uống cà phê là niềm vui rất quan trọng với Kant mỗi ngày, đến mức Kant phải ghi chú vào giấy để nhắc nhở phải phục vụ cà phê trong các cuộc hẹn có mặt ông sắp tới.
Có thể thấy, triết học của Immanuel Kant là triết học vì con người và cho con người. Trong đó, đạo đức học của Kant đã hướng đến những giá trị chung toàn nhân loại, mang khát vọng của con người hướng tới cái thiện và cuộc sống hạnh phúc. Đồng thời, sự song hành của cà phê trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại giúp tái tạo nhận thức con người và kích thích tiến bộ xã hội của Immanuel Kant, cho thấy cà phê một lần nữa gắn liền với tiến trình con người muốn vượt lên số phận để tìm kiếm hạnh phúc từ tư duy minh triết của chính mình.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Dấu ấn cà phê trong lịch sử phát triển âm nhạc