Ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí trong sản xuất và tối ưu hóa nguồn thu cho cơ quan báo chí

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:28, 16/03/2024

Chiều 16.3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.
Khoa học - công nghệ

Ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí trong sản xuất và tối ưu hóa nguồn thu cho cơ quan báo chí

Tú Viên - Đình Mười 16/03/2024 17:28

Chiều 16.3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã tham gia chia sẻ thông tin về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí; nỗ lực đa dạng hóa cách tiếp cận độc giả; sự thay đổi của thị trường báo chí trong thời đại công nghệ số; đồng thời, đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng hiện nay nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới. Qua thực tế, nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo ngày càng nhiều hơn trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube...

nguon-thu-bao-chi-tien-quang-cao-sach-phai-di-ve-voi-noi-dung-sach-130210842.jpeg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại toạ đàm

Bên cạnh đó, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung một cách có chủ đích từ các cơ quan báo chí để thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” nguồn thu dành cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.

Trước xu hướng sụt giảm doanh thu, các cơ quan báo chí còn lúng túng trong giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT, nhiều khách hàng không còn quảng cáo qua các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn. Do vậy, các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.

Trình bày tham luận tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhìn nhận sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí.

Trong đó sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.

Ông Đồng nhận định, xu hướng độc giả ngày càng trẻ hơn, hành vi tìm kiếm tin tức cũng thay đổi. Thay vì đọc báo, họ chủ yếu truy cập tin tức qua các nền tảng mạng xã hội, vì vậy các tòa soạn phải đầu tư hơn về công nghệ, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận độc giả mới.

okkkk.jpeg
Sự xâm nhập của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí - Ảnh: Đình Mười

Ông khẳng định yếu tố làm thay đổi căn bản báo chí hiện nay là công nghệ. Khi công nghệ thâm nhập vào thì thị trường báo chí thay đổi theo. Từ đó muốn tiếp tục phát triển, chiếm lĩnh thị trường, đa dạng nguồn thu thì lãnh đạo cơ quan báo chí phải hiểu và nắm bắt, ứng dụng công nghệ.

Dẫn ví dụ về Báo Thanh Niên, một tờ báo đang dẫn đầu về nguồn thu và lượng người tiếp cận trên mạng xã hội, ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI đang là giải pháp tốt để giảm được chi phí trong sản xuất nội dung và tối ưu hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí.

Đề xuất về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí, ông Đồng cho rằng, thời gian tới, Bộ TT-TT cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Trong đó, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong hướng đi dài hạn cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ TT-TT.

bn.jpg
Hội báo toàn quốc 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh: Tú Viên

Được xem là điểm sáng trong việc đa dạng nguồn thu báo chí trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, Đài PTTH Vĩnh Long có doanh thu đến 1.500 tỉ đồng/năm.

Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long cho biết hiện hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của đài. Cùng với đó là nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…

"Trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài PTTH Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, đài liên kết sản xuất 40 - 50 chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo… đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo", ông Tuấn cho biết.

z5254812632009_3e3e5c9656d913168bf8083c7272396c.jpg
Hội báo toàn quốc 2024 thu hút rất nhiều người tham gia - Ảnh: Tú Viên

Song song đó, Đài PTTH Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện như ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio, 48 kênh YouTube, 23 fanpage Facebook, 4 kênh Tiktok… thu hút thêm độc giả, góp phần mang về nguồn thu mới cho đài.

Hoạt động tuyên truyền, chủ yếu hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên nguồn thu cho cơ quan này.

Bên cạnh thuận lợi, ông Tuấn cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức Đài PTTH Vĩnh Long đối diện trong việc khai thác nguồn thu tại đơn vị như: áp lực giữ chân khán giả, áp lực về nguồn thu, áp lực về cạnh tranh thông tin… Cùng với đó là ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới lẫn trong nước đang suy thoái khiến nguồn thu quảng cáo tiếp tục sụt giảm mạnh.

"Việc sản xuất chương trình vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống, chậm chuyển đổi; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn yếu; các nền tảng số đang khai thác doanh thu đều đến từ nước ngoài nên sự đầu tư lâu dài cũng không thể chắc chắn; báo chí hiện vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (20%)", ông Tuấn chỉ ra hàng loạt khó khăn.

Từ những thuận lợi và thách thức trên, trong thời gian tới, Đài PTTH Vĩnh Long tiếp tục tập trung sản xuất chương trình hướng đến công chúng. Đồng thời đẩy mạnh nguồn thu từ sản xuất nội dung số thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cập nhật các hình thức quảng cáo mới, thu phí người dùng, nghiên cứu vận dụng hiệu quả các quy định mới liên quan đến hoạt động báo chí trên môi trường số, vấn đề bản quyền…

Là đơn vị tự chủ tài chính suốt nhiều năm qua, ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ cho biết, cơ quan này luôn tìm cách để đa dạng nguồn thu.

mh3.jpg
Suy thoái kinh tế khiến nguồn thu quảng cáo tiếp tục sụt giảm mạnh - Ảnh: Đình Mười

“Mỗi tháng chúng tôi phải có 14 tỉ đồng để trả lương cho nhân viên, chưa kể các khoản đầu tư về công nghệ. Vậy tiền đó ở đâu? Nguồn thu chia ra nhóm 1 là khách hàng mua bán đọc báo hàng ngày, nhóm khách hàng thứ 2 là doanh nghiệp mua quảng cáo trên các nền tảng, nhóm thứ 3 là cơ quan Nhà nước. Cần chia ra để có các bước chăm sóc, quan tâm”, ông Toàn nêu.

Nếu trước dịch COVID-19, nguồn thu từ báo in của cơ quan này chiếm 75%, thì hiện tỉ trọng đã đảo ngược lại với 75% đến từ nền tảng số, mạng xã hội. “Từ đó buộc chúng tôi phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ. Song khó khăn lớn nhất là thói quen của đội ngũ khi tư duy đề tài, cách làm… cần có cuộc cách mạng để thay đổi thói quen của người làm báo”, ông Toàn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề bản quyền, ông Toàn đề xuất nên có buổi đối thoại các nền tảng mạng xã hội với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí về việc tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, cũng như chia sẻ nguồn thu cho các cơ quan báo chí khi khai thác dữ liệu, nội dung từ báo chí.

Ông Toàn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải làm thật nghiêm để đảm bảo công bằng giữa các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội trong việc tuân thủ quy định Luật Quảng cáo.

Tham dự tọa đàm, các diễn giả còn đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: Chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả; chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới. Các cơ chế đặt hàng báo chí trong việc truyền thông chính sách

Tú Viên - Đình Mười