Giải mã tâm lý của đám đông

Văn hóa - Ngày đăng : 08:01, 19/07/2023

“Tâm lý học đám đông” là một trong những tác phẩm đầu tiên và có ảnh hưởng nhất về tâm lý học đám đông, đưa ra nhiều lý thuyết và khái niệm quan trọng vẫn còn giá trị đến nay.
Văn hóa

Giải mã tâm lý của đám đông

T.N.L 19/07/2023 08:01

“Tâm lý học đám đông” là một trong những tác phẩm đầu tiên và có ảnh hưởng nhất về tâm lý học đám đông, đưa ra nhiều lý thuyết và khái niệm quan trọng vẫn còn giá trị đến nay.

box-hanhtrinh-mo-dau-cap-nhat.jpg
h1-hinh-dai-dien-_tlhdd.jpg

Quy luật đồng nhất tâm hồn của đám đông

Gustave Le Bon (1841-1931) là nhà tâm lí học, xã hội học người Pháp nổi tiếng với những công trình như “Những quy luật tâm lí về sự tiến hoá của các dân tộc”, “Tâm lý học đám đông”, “Cách mạng Pháp và tâm lí học của các cuộc cách mạng”. Ông được biết đến nhiều nhất với những nghiên cứu tiên phong về tâm lý đám đông, được trình bày trong tác phẩm "Tâm lý học đám đông" xuất bản năm 1895, đây được coi là một trong những kiệt tác kinh điển của thế giới, vẫn luôn được quan tâm và nghiên cứu trong thời đại hiện nay.

"Tâm lý học đám đông" phân tích tâm lý và hành vi của con người khi họ trở thành một phần của đám đông, cách họ tin, đưa ra những quan điểm và cách mà họ bị thuyết phục. Cuốn sách gồm 3 phần chính: Tâm hồn đám đông; Quan điểm và niềm tin của đám đông; Phân loại đám đông. Mỗi phần tác giả sẽ vừa dẫn dắt lí thuyết, vừa nêu những ví dụ cụ thể và sinh động.

h2_tlhdd.jpg

Theo Le Bon, định nghĩa về đám đông từ quan điểm tâm lý học là: Trong những hoàn cảnh nhất định, và chỉ trong những hoàn cảnh đó, một nhóm người sẽ có những đặc tính mới rất khác so với đặc tính của từng cá nhân cấu thành nhóm đó. Nhân cách có ý thức biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về một phía. Một tâm hồn tập thể được hình thành, dù chỉ là tạm thời, nhưng thể hiện những đặc tính rất rõ ràng.

Chúng ta sẽ thấy được yếu tố vô thức thể hiện sự thống trị thông qua việc điều khiển suy nghĩ và hành vi của mỗi người khi họ ở trong một đám đông, chúng khiến họ suy nghĩ hoàn toàn khác đi so với lúc là một cá nhân riêng lẻ. Người ta có thể trở nên đạo đức hơn, bao dung hơn hoặc anh hùng hơn bao giờ hết, cũng có thể trở thành người bốc đồng, dễ bị kích động, nhẹ dạ cả tin, độc đoán và bảo thủ… Tất cả những loại tình cảm xuất hiện trong tâm lý đám đông đều bị điều khiển và khống chế, bằng cơ chế của sự ám thị, lây nhiễm và lặp đi lặp lại.

h3_tlhdd.jpg

Cách những nhà lãnh đạo nổi tiếng tạo ảnh hưởng

Le Bon đồng thời đưa ra những nhân tố tác động đến các quan điểm và niềm tin của đám đông, bao gồm nhân tố gián tiếp và trực tiếp. Chủng tộc, truyền thống, thời gian, các thể chế và nền giáo dục được coi là những nhân tố gián tiếp làm nền tảng cho mọi niềm tin và quan điểm của đám đông. Trong khi đó, những nhân tố trực tiếp tác động đến quan điểm của đám đông bao gồm: Hình ảnh, ngôn từ và công thức; Các ảo tưởng; Kinh nghiệm; Tình cảm vô thức của đám đông.

Lý trí không ảnh hưởng lên đám đông, bởi đám đông được coi là không có khả năng suy luận, phê bình, được dẫn dắt vô thức nên ảnh hưởng đến đám đông chính là hình ảnh và ngôn ngữ. Khéo léo kết hợp hình ảnh và có công thức đúng đắn cho ngôn ngữ đi liền với hình ảnh sẽ tạo ra sức ảnh hưởng trực tiếp lên đám đông. Ngôn ngữ ở đây không phải là những lý luận thảo luận dài dòng và khó hiểu mà là sự đơn giản và mẹo hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ cho đám đông, phù hợp với thời điểm và hoàn cảnh đám đông.

h4_tlhdd.jpg

Từ việc hiểu những cấu tạo tinh thần của đám đông và những động lực nào có thể tác động vào tâm hồn của đám đông, Le Bon nhận thấy rằng trong đám đông, lãnh đạo giữ một vai trò nổi bật. Đám đông sẵn sàng nghe theo những ai dẫn dắt họ bằng những ý tưởng đã chiếm được tình cảm trong tâm hồn họ trước đó. Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể tận dụng tâm lý của đám đông và sử dụng các phương thức như sự khẳng định, ám thị, sự lặp đi lặp lại và sự lây nhiễm để thúc đẩy hành động của nhóm theo hướng mà người lãnh đạo mong muốn.

Cùng với đó, một yếu tố góp phần mang đến sức mạnh rất lớn cho các tư tưởng được truyền bá, đó chính là uy tín. Sẽ có nhiều nhân tố góp phần vào sự hình thành uy tín, trong đó thành công luôn là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Khi một người thành công, tư tưởng của họ sẽ thắng thế, nhưng khi thất bại, tư tưởng đó sẽ bị tranh cãi.

h5_tlhdd.jpg

“Tâm lý học đám đông” đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của ngành tâm lý học xã hội. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đặc điểm tâm lý của đám đông, từ đó có thể đưa ra những biện pháp để kiểm soát và hạn chế những tác động tiêu cực của đám đông. Là tác phẩm gối đầu giường không chỉ cho các sinh viên ngành lịch sử, tâm lý học, xã hội học, luật pháp mà còn cho những chính khách, những nhà đầu tư, những nhà quản lý và nghiên cứu thị trường…

Tác phẩm được Le Bon viết vào thế kỉ trước bởi vậy chắc chắn độc giả sẽ gặp một vài khó khăn để hiểu một số ví dụ hay dẫn chứng mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên các quan điểm của Le Bon về tâm lý đám đông vẫn được coi là cơ sở cho các nhà nghiên cứu hiện đại sử dụng và thảo luận về chủ đề này để giải thích các hiện tượng trong xã hội hiện đại. Cuốn sách thuộc lĩnh vực Tâm lý học trong Tủ sách Nền tảng đổi đời do Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn. Độc giả có thể dễ dàng tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend Café.

final-box-tu-sach.jpg

Giải mã tâm lý của đám đông

TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!

TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!

(Đón đọc kỳ sau: "Chân, Thiện, Mĩ trong tầm nhìn đương đại")

T.N.L