Uống cà phê có giúp trị táo bón?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:46, 03/03/2024
Uống cà phê có giúp trị táo bón?
Không ít người phải đi đại tiện sau khi uống một cốc cà phê sáng. Vì sao lại như vậy? Tại sao tình trạng chỉ xảy ra vào buổi sáng? Và liệu có thể dùng cà phê để trị táo bón không?
Hầu hết mọi người đều biết cà phê chứa caffeine là chất lợi tiểu, nhưng ít ai biết loại thức uống này còn tác động đến nhu động ruột. Bác sĩ Sulaiman Bin Yusof (Trung tâm Y tế Colorectal Clinic Associates) lý giải: “Giống như tất cả mọi thứ trên đời, cà phê không bao giờ chỉ có một chất. Chúng còn chứa axit chlorogen, axit xitric, axit axetic, flavonoid, tannin cùng nhiều chất khác thúc đẩy di chuyển thức ăn trong ruột. Từng có nghiên cứu chỉ ra ngay cả vị đắng của cà phê cũng kích thích dạ dày”.
Bác sĩ Stephen Tsao (Phòng khám AliveoMedical) cũng lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa loạt chất nêu trên, gồm cả caffeine, chỉ là hàm lượng caffeine giảm còn khoảng 1 - 5% so với cà phê thông thường mà thôi. Theo ông Tsao, caffeine kích thích cơ trong hệ thống tiêu hóa.
Bác sĩ Kewin Siah (Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore) bổ sung rằng axit chlorogen góp phần tăng thêm tác động của caffeine với ruột.
Nội tiết tố cơ thể cũng có liên quan. Bác sĩ Tsao cho biết: “Prostaglandin đóng vai trò trong nhiều chức năng khác nhau, gồm cả sự co bóp của cơ trơn trong ruột. Cà phê cũng làm giải phóng gastrin (kích thích tiết axit dạ dày) và cholecystokinin (kích thích tiết mật cùng enzyme tiêu hóa chất béo hoặc protein), khiến ruột co bóp dữ dội hơn nữa”.
Co bóp khi đạt đến mức độ nhất định sẽ sản sinh cảm giác muốn đi đại tiện, thường đến ngay sau lúc uống cà phê từ 4 đến 30 phút.
Uống bao nhiêu cà phê mới kích thích đi đại tiện?
Bác sĩ Yusof lưu ý rằng tình trạng không chỉ xuất phát từ caffeine nên phương án giảm lượng caffeine nạp vào chưa chắc hữu ích. Đây là lý do tại sao nước ngọt có ga hoặc nước tăng lực cũng chứa caffeine nhưng không khiến người uống muốn đi đại tiện.
Vấn đề còn tùy thuộc từng cá nhân lẫn loại cà phê họ uống. Theo bác sĩ Yusof: “Hàm lượng caffeine thay đổi tùy loại cà phê và cách rang. Kopitiam thường có nhiều caffeine hơn (khoảng 100mg mỗi cốc) so với cà phê espresso (khoảng 40mg mỗi cốc)”.
Tại sao chỉ xảy ra vào buổi sáng?
Bác sĩ Siah giải thích tác dụng của cà phê với bụng đói sẽ mạnh hơn, hơn nữa ruột hoạt động mạnh hơn và nồng độ cortisol cũng cao hơn vào buối sáng khiến người uống phản ứng với cà phê nhanh hơn.
Sữa và đường cũng góp phần gây đau bụng?
Sữa bò chắc chắn góp phần gây đau bụng đi ngoài nếu người uống không dung nạp lactose, còn tiêu thụ đường kích thích giải phóng insulin làm tăng nhu động ruột.
Theo bác sĩ Tsao, sữa và đường thuộc nhóm FODMAP (các carbohydrate chuỗi ngắn mà con người hấp thụ kém) nên có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng hoặc thay đổi thói quen đại tiện. Kết hợp chúng với cà phê sẽ là “thảm họa” với một số người.
Dùng cà phê trị táo bón?
Dùng cà phê để đi đại tiện buổi sáng có thể không gây hại, nhưng không nên dựa vào thức uống này trị táo bón. Bác sĩ Siah lưu ý cà phê đem lại vấn đề tiềm ẩn như kích ứng đường ruột và mất nước, người bị táo bón nên tăng nạp chất xơ, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, dùng thực phẩm hoặc nước uống nhuận tràng tự nhiên chẳng hạn như nước ép mận.
Bác sĩ Yusof cũng cho rằng cà phê chỉ nên là chất bổ sung hỗ trợ kích thích ruột. Nếu bị táo bón thường xuyên thì vẫn nên đi khám bệnh.