Âm thanh cồng chiêng làm đảo lộn trật tự âm nhạc kinh điển phương Tây
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 20:24, 29/02/2024
Âm thanh cồng chiêng làm đảo lộn trật tự âm nhạc kinh điển phương Tây
Nghiên cứu mới cho thấy âm sắc và cách điều chỉnh của các nhạc cụ có khả năng điều khiển sự cảm thụ của chúng ta về sự hòa âm. Những phát hiện này thách thức lý thuyết âm nhạc kinh điển của phương Tây.
Theo nhà triết học Hy Lạp cổ đại Pythagoras, consonance (sự kết hợp các nốt giúp giai điệu có vẻ dễ chịu) được tạo ra bởi mối quan hệ đặc biệt giữa các số đơn giản như 3 và 4. Gần đây, các học giả đã cố gắng tìm ra những lời giải thích, nhưng những 'tỷ lệ nguyên' này vẫn được cho là khuôn thước đã tạo ra consonance đẹp và việc lệch khỏi chúng được cho là khiến âm nhạc trở nên 'nghịch tai', khó chịu.
Đảo ngược khuôn vàng thước ngọc
Nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Princeton và Viện Thẩm mỹ Thực nghiệm Max Planck, hiện đã phát hiện ra hai điểm chính mà Pythagoras đã sai.
Nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho thấy rằng trong bối cảnh nghe bình thường, chúng ta thực sự không thích các hợp âm hoàn hảo theo các tỷ lệ toán học.
Tiến sĩ Peter Harrison, giảng viên Khoa Âm nhạc của Đại học Cambridge và là Giám đốc Trung tâm Khoa học & Âm nhạc của Đại học Cambridge, cho biết: “Chúng ta thực ra thích độ lệch nhỏ một chút. Chúng ta thích một chút không hoàn hảo vì điều này mang lại sức sống cho âm thanh và điều đó hấp dẫn chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng vai trò của các mối quan hệ toán học trong sách vở âm nhạc sẽ biến mất khi bạn thưởng thức một số nhạc cụ ít quen thuộc với giới âm nhạc phương Tây. Những nhạc cụ này thường là chuông, cồng chiêng, các loại xylophone và các loại nhạc cụ gõ cao độ khác. Đặc biệt, họ đã nghiên cứu 'bonang', một nhạc cụ của người Java được chế tạo từ một bộ cồng chiêng nhỏ.
Tiến sĩ Harrison cho biết: “Khi chúng tôi sử dụng các nhạc cụ như bonang, những con số đặc biệt của Pythagoras sẽ biến mất và chúng tôi gặp phải những mẫu hình hòa âm và nghịch âm hoàn toàn mới”.
“Hình dạng kỳ lạ của một số nhạc cụ bộ gõ có tác dụng tạo dao động rồi giao thoa âm khi bạn gõ vào chúng. Các thành phần tần số âm thanh của chúng không tuân theo các mối quan hệ toán học truyền thống. Đó là lúc chúng tôi nhận thấy những điều thú vị đang diễn ra”.
“Nghiên cứu của phương Tây vốn tập trung rất nhiều vào các nhạc cụ quen thuộc trong dàn nhạc, nhưng các nền văn hóa âm nhạc khác lại sử dụng các nhạc cụ bị người phương Tây coi là không hài hòa mà do hình dạng và tính chất vật lý của chúng.
Cảm thụ âm nhạc nên theo bản năng
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một phòng thí nghiệm trực tuyến trong đó hơn 4.000 người từ Mỹ và Hàn Quốc đã tham gia vào 23 thí nghiệm về hành vi. Những người tham gia được nghe các hợp âm và được yêu cầu điều chỉnh các nốt cụ thể trong hợp âm để làm cho âm thanh dễ chịu hơn. Kết quả là vô vàn các điều chỉnh xuất hiện.
Thí nghiệm giúp khám phá các hợp âm từ những góc cảm thụ âm nhạc khác nhau với đủ loại nhạc cụ. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy số lượng đáng kể người nghe ưa thích đối với sự thiếu hoàn hảo một chút, hay còn gọi là “sự không hài hòa”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng consonance của cồng chiêng bonang được sắp xếp trật tự theo thang âm cụ thể được sử dụng trong văn hóa của người Nam Đảo. Ví dụ, những consonance không thể biểu diễn trên đàn piano phương Tây vì chúng sẽ nằm giữa các nốt thang âm được sử dụng theo truyền thống phương Tây.
Tiến sĩ Harrison nói: “Phát hiện của chúng tôi thách thức quan điểm truyền thống rằng sự hòa âm chỉ có thể theo một cách, rằng các hợp âm phải phản ánh những mối quan hệ toán học. Chúng tôi cho mọi người thấy rằng có nhiều kiểu hòa hợp hơn ngoài kia và có những lý do chính đáng để các nền văn hóa khác phát triển chúng”.
Điều quan trọng là nghiên cứu này gợi ý rằng những người tham gia - không phải là nhạc sĩ được đào tạo bài bản và không quen với âm nhạc Java - có thể đánh giá cao theo bản năng những consonance mới trong âm điệu của bonang.
Harrison nói: “Sáng tác âm nhạc là khám phá khả năng sáng tạo của một tập hợp các phẩm chất nhất định, chẳng hạn như tìm ra loại giai điệu nào bạn có thể chơi trên cây sáo hoặc loại âm thanh nào bạn có thể tạo ra bằng hơi từ miệng”.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng nếu bạn sử dụng các nhạc cụ khác nhau, bạn có thể mở khóa một ngôn ngữ hòa âm hoàn toàn mới được mọi người đánh giá cao bằng trực giác mà họ không cần phải nghiên cứu để cảm thụ nó. Rất nhiều thể loại âm nhạc cổ điển phương Tây khá khó đối với người nghe vì nó liên quan đến những cấu trúc mang tính trừu tượng cao và khó thưởng thức. Ngược lại, những phát hiện như của chúng tôi có thể giúp kích thích âm nhạc mới mà người nghe có thể thưởng thức bằng trực giác”.
Cơ hội thú vị cho các nhạc sĩ và nhà sản xuất
Tiến sĩ Harrison hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ khuyến khích các nhạc sĩ thử những nhạc cụ lạ và xem liệu chúng có mang lại những hòa âm mới và mở ra những khả năng sáng tạo mới hay không.
Khá nhiều tác phẩm nhạc pop hiện nay cố gắng kết hợp sự hòa hợp của phương Tây với các giai điệu địa phương từ Trung Đông, Ấn Độ và các nơi khác trên thế giới. Điều đó có thể ít nhiều thành công, nhưng có một vấn đề là các nốt có thể phát ra âm thanh không chuẩn nếu bạn chơi chúng bằng các nhạc cụ phương Tây.
Harrison cho rằng: “Các nhạc sĩ và nhà sản xuất có thể làm cho cuộc hôn nhân đó diễn ra tốt đẹp hơn nếu họ tính đến những phát hiện của chúng tôi và cân nhắc việc thay đổi ‘âm sắc’, chất lượng giai điệu, bằng cách sử dụng các nhạc cụ tổng hợp hoặc được lựa chọn đặc biệt”.
Nhóm của Harrison đang khám phá các loại công cụ khác nhau và thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để kiểm tra phạm vi văn hóa rộng hơn. Đặc biệt, họ muốn có được những hiểu biết sâu sắc từ các nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ 'không hài hòa' để hiểu liệu họ có tiếp thu được các khái niệm khác nhau về hòa âm hay không.