Mỹ và 9 nước đặt ra nguyên tắc 6G khi cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:51, 27/02/2024

Mỹ và 9 quốc gia khác đã ủng hộ một bộ nguyên tắc để thúc đẩy công nghệ 6G, khi cuộc đua với Trung Quốc để phát triển mạng không dây thế hệ tiếp theo ngày càng nóng lên.
Nhịp đập khoa học

Mỹ và 9 nước đặt ra nguyên tắc 6G khi cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Mỹ và 9 quốc gia khác đã ủng hộ một bộ nguyên tắc để thúc đẩy công nghệ 6G, khi cuộc đua với Trung Quốc để phát triển mạng không dây thế hệ tiếp theo ngày càng nóng lên.

Trong một tuyên bố chung hôm 27.2, 10 quốc gia đã đặt ra các nguyên tắc với hệ thống liên lạc 6G, gồm cả việc chúng được phát triển bằng “công nghệ đáng tin cậy để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Tuyên bố được đưa ra bởi Mỹ, Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Anh. Điều này nhấn mạnh việc tạo ra các công nghệ an toàn, linh hoạt và bảo vệ quyền riêng tư tuân thủ những tiêu chuẩn toàn cầu.

10 nước này kêu gọi sự đổi mới mở, được củng cố bởi hợp tác quốc tế, để đảm bảo 6G có giá cả phải chăng, bền vững và có thể truy cập được trên toàn thế giới, kể cả ở các quốc gia đang phát triển.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phổ tần hiệu quả và chuỗi cung ứng an toàn để hỗ trợ hệ sinh thái 6G mang tính cạnh tranh và đổi mới.

6G (công nghệ không dây thế hệ thứ 6) hứa hẹn sẽ cách mạng hóa truyền thông với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn tới 50 lần so với 5G. Độ trễ trong việc gửi và nhận thông tin dự kiến sẽ giảm xuống còn 1/10 so với thế hệ trước đó.

6G cũng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn 5G về tốc độ dữ liệu cao nhất, số lượng kết nối, tính di động, hiệu suất phổ tần và khả năng định vị.

Một số chuyên gia tin rằng 6G có thể mang lại những sự đổi mới đột phá trong truyền thông và cuộc cạnh tranh để thống trị công nghệ đang được các chính phủ cùng gã khổng lồ công nghệ trên toàn thế giới chú ý đến, với mọi khía cạnh từ thiết lập tiêu chuẩn đến sản xuất thiết bị đang được xem xét kỹ lưỡng.

Vẫn chưa rõ khi nào 6G sẽ được cung cấp cho công chúng, nhưng hầu hết chuyên gia đều ước tính khoảng năm 2030.

Tuyên bố hôm 27.2 nhấn mạnh mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái 6G an toàn, toàn diện và bền vững, đồng thời cho biết “sự hợp tác và thống nhất là điều cần thiết trong việc giải quyết những thách thức quan trọng mà chúng ta gặp phải trong quá trình phát triển công nghệ 6G”.

Trong 10 quốc gia nêu trên, một số nơi đặt trụ sở các công ty viễn thông lớn như AT&T ở Mỹ, Nokia tại Phần Lan, Ericsson ở Thụy Điển và Samsung Electronics tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, danh sách đáng chú ý này không có Trung Quốc.

Một nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC coi động thái này là nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển 6G của Trung Quốc, nhưng cho rằng điều này có thể không hiệu quả.

Nhà phân tích giấu tên lưu ý rằng 6G vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu trên toàn thế giới và cho biết quỹ đạo của nó sẽ phụ thuộc vào cách thức phát triển các hoạt động thương mại cùng nguyên tắc công nghệ.

Nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc (từ chối nêu tên) cho biết quy mô thị trường nơi công nghệ đang được phát triển cũng là một yếu tố. Ông nói Trung Quốc có lợi thế đặc biệt nhờ lượng người dùng khổng lồ so với các quốc gia có dân số nhỏ hơn, chẳng hạn Úc.

Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể về lĩnh vực truyền thông không dây, âm thầm tiến lên vị trí dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G. Cường quốc châu Á này dẫn đầu thế giới về số lượng trạm cơ sở, thiết bị kết nối và sở hữu bằng sáng chế, đánh dấu bước nhảy vọt lớn so với vị thế của mình trong thời kỳ 3G và điều chỉnh tốc độ phát triển của mình theo các tiêu chuẩn toàn cầu vào thời 4G.

Nhà nghiên cứu giấu tên nói động thái mới nhất từ 10 quốc gia khó có thể cản trở tiến trình phát triển hệ thống truyền thông không dây 6G của Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng những gã khổng lồ công nghệ nước này, chẳng hạn Huawei, sẽ có chiến lược độc lập cho 6G.

my-va-9-nuoc-dat-ra-nguyen-tac-6g-khi-su-canh-tranh-cong-nghe-voi-trung-quoc-ngay-cang-cang-thang.jpg
6G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa truyền thông với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn tới 50 lần so với 5G - Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc tiến gần hơn tới mạng 6G sau thử nghiệm công nghệ truyền thông vệ tinh mới

Nhóm các nhà khoa học ở Trung Quốc đã công bố thành tựu quan trọng về thiết bị liên lạc có thể mở đường cho internet vệ tinh, một phần đáng chú ý trong việc phát triển mạng 6G.

Theo trang SCMP, khi được gắn trên vệ tinh, thiết bị có thể truyền tín hiệu ánh sáng từ vị trí này sang vị trí khác mà không chuyển đổi chúng thành tín hiệu điện, hoạt động ít nhiều giống như tấm gương. Giờ đây, nó đã được thử nghiệm thành công trong không gian, theo nhóm nghiên cứu từ Viện Quang học và Cơ học Chính xác Tây An, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Nhóm các nhà khoa học đã dành hơn một thập kỷ để phát triển thiết bị nhằm nâng cao khả năng, tính linh hoạt và tốc độ truyền tải thông tin.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, thiết bị của họ được gọi là “công nghệ chuyển mạch quang học trong không gian”, đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Y7 của Trung Quốc vào tháng 8.2023. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc một thiết bị như vậy được thử nghiệm trên vệ tinh.

Khi được tải xuống và mở ra trên mặt đất, thông tin hình ảnh được mang trên thiết bị vẫn nguyên vẹn mà không mất dữ liệu nào.

Bộ chuyển mạch là thành phần quan trọng trong mạng truyền thông, chịu trách nhiệm phân phối dữ liệu đến một đường dây nhất định. Ví dụ, khi thực hiện cuộc gọi điện thoại, các bộ chuyển mạch đảm bảo rằng cuộc gọi được chuyển đến người nhận như dự định.

Các thiết bị chuyển mạch truyền thống thường liên quan đến việc chuyển đổi tín hiệu ánh sáng thành dữ liệu số hoặc dữ liệu mô phỏng, sử dụng điện làm trung gian. Tuy nhiên, thiết bị mới trực tiếp bỏ qua quá trình đó.

Một nhà khoa học quang học (từ chối nêu tên) cho biết phương pháp photon-electron-photon thông thường có hiệu ứng “tắc nghẽn điện tử”, trong khi phương pháp quang học có thể tối đa hóa tốc độ và khả năng trao đổi dữ liệu.

Người có kiến thức về cuộc thử nghiệm này (yêu cầu giấu tên) nói thêm rằng phương pháp như vậy cũng có thể giảm chi phí xây dựng các cơ sở chuyển mạch đặc biệt. Các thành viên của nhóm nhà khoa học Trung Quốc từ chối bình luận.

Theo bài viết được xuất bản năm ngoái bởi một số thành viên trong nhóm, thiết bị này có thể hỗ trợ công suất chuyển mạch 40 gigabit/giây, cải tiến đáng kể so với công nghệ chuyển mạch truyền thống.

Những sự phát triển như viễn thám vệ tinh, siêu máy tính liên quan đến dữ liệu dung lượng lớn và truyền thông di động 6G đều dẫn đến nhu cầu truyền thông tin tốc độ cực cao cùng dung lượng lớn ngày càng tăng.

Để đạt được điều này, các chuyên gia trong ngành nói rằng mạng lưới tương lai mang tính cách mạng phải là mạng 3 chiều, liên kết các nút liên lạc mặt đất với các vệ tinh.

“Mạng truyền thông thế hệ tiếp theo, gồm cả 6G, sẽ vượt xa các kết nối trên mặt đất. Nó phải là một mạng lưới toàn cầu gồm cả các nút vệ tinh”, nhà khoa học giấu tên nói.

“Chúng ta cần xây dựng một mạng internet vệ tinh, sẽ cung cấp phạm vi phủ sóng toàn cầu với các dịch vụ có độ trễ thấp, có thể truy cập được ngay cả ở những khu vực dân cư thưa thớt và không có trở ngại về địa lý", theo bài viết do các thành viên của nhóm chuyên gia.

Theo truyền thống, các liên kết từ vệ tinh đến mặt đất chủ yếu dựa vào công nghệ vi sóng, nhưng tốc độ truyền dữ liệu bị hạn chế do phạm vi tần số vi sóng bị hạn chế.

Tuy nhiên, việc sử dụng tia laser làm vật mang dữ liệu, được gọi là “truyền thông quang học”, đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây. Laser có phổ rộng hơn nhiều, với băng thông có khả năng đạt tới vài trăm gigahertz, nên có thể đóng gói nhiều dữ liệu hơn vào mỗi lần truyền.

Đến nay, một số công ty đi đầu trong ngành, chẳng hạn Starlink của Elon Musk, đã triển khai truyền thông quang học để truyền dữ liệu giữa các vệ tinh và một số công ty Trung Quốc cũng đang tham gia cuộc đua này.

Khi tốc độ truyền dữ liệu đạt mức rất cao, việc xử lý hơn 100 gigabit/giây sẽ là thách thức với các cơ sở chuyển mạch truyền thống do hạn chế về khả năng. Vì vậy, để điều chỉnh theo tốc độ ngày càng tăng, việc phát triển một hệ thống trao đổi quang học tiên tiến hơn là rất quan trọng. Nhà khoa học này cho biết: “Điều này đặc biệt đúng với các liên kết giữa các vì sao, vì chuyển đổi quang học sẽ hiệu quả hơn, nhanh chóng, nhỏ gọn và rẻ tiền hơn”.

Bất chấp bước đột phá mới nhất từ nhóm nhà khoa học Trung Quốc, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho biết vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trước khi công nghệ như vậy có thể áp dụng thực tế.

Huang Tao, tổng giám đốc một công ty truyền thông có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, nói internet vệ tinh của Trung Quốc, gồm cả công nghệ chuyển mạch quang học trên không gian, vẫn còn tụt hậu so với Mỹ vì một số thành phần và vật liệu quan trọng do các thực thể Mỹ thống trị.

Nhà khoa học quang học giấu tên nhận định: “Vì sẽ được sử dụng trong không gian, nhiều thành phần của thiết bị mới này cần phải được kiểm tra rất cẩn thận để đảm bảo hiệu suất của nó”.

Sơn Vân