Thủ tục phức tạp, tín dụng gặp khó khiến doanh nghiệp nản triển khai nhà ở xã hội
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:02, 23/02/2024
Thủ tục phức tạp, tín dụng gặp khó khiến doanh nghiệp nản triển khai nhà ở xã hội
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Tuy vậy, các doanh nghiệp cho rằng còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp nản lòng bởi thủ tục
Liên quan đến đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, trên cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.
Trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.000 căn, 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn, 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn.
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn.
Tuy vậy, các doanh nghiệp (DN) cho rằng còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai NƠXH.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng dù nhà nước rất quyết liệt thúc đẩy xây dựng NƠXH nhưng nhiều thủ tục đầu tư còn khó khăn, nhiều ưu đãi còn chưa thực chất. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư.
Ví dụ vấn đề giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư vẫn phải tự đi thỏa thuận với dân nên việc này rất phức tạp, chi phí cao và thời gian kéo dài. Do đó, Nhà nước cần thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư dự án NƠXH.
Vấn đề tiếp theo là khó khăn do thủ tục hành chính kéo dài, nhất là khâu phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.
Theo ông Quê, việc thủ tục đầu tư chỉ nên kéo dài trong 1 - 2 năm, còn 2 năm thi công. Việc triển khai dự án NƠXH chỉ trong khoảng 4 năm là hợp lý, thay vì kéo dài tới 5 - 7 năm như hiện nay khiến chủ đầu tư tăng trả lãi vốn, người dân thì chờ đợi.
Một vướng mắc nữa, theo ông Quê là quy trình mở bán rất phức tạp, việc xác nhận đối tượng chưa có nhà ở có nhiều điểm bất hợp lý.
Ví dụ người mua nhà phải xin xác nhận của phường, xã là chưa có đất ở trên thành phố. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu về bất động sản chưa đầy đủ nên cán bộ phường, xã không thể xác nhận. Điều này dẫn đến chủ đầu tư, sở xây dựng không chấp nhận hồ sơ. Người mua nhà phải xin xác nhận chưa có nhà ở thành phố ở sở TN-MT. Thời gian mở bán chỉ 30 ngày nhưng quá nhiều thủ tục phải làm.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes cho biết việc thực hiện NƠXH còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt rất nhiều thủ tục còn nhiều hơn nhà ở thương mại.
Ông đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu để trình Chính phủ để thủ tục đầu tư sao cho các dự án NƠXH đơn giản hóa, nhanh gọn bằng hoặc nhanh hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.
Ông Hoa nêu đề xuất thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án NƠXH cần thực hiện nhanh, có thể song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Đề xuất tăng thêm suất đầu tư NƠXH
Một nội dung nữa được các DN quan tâm đó là về suất đầu tư dành cho NƠXH. Nếu muốn đảm bảo chất lượng tốt, xây dựng những khu NƠXH kiểu mẫu thì suất đầu tư cần tăng thêm.
Các DN phản ánh, từ năm 2021 trở về trước, suất vốn đầu tư xây dựng NƠXH áp dụng chung suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở thương mại của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, ngày 13.7.2022, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 610/QĐ-BXD về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2021.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành khung suất vốn đầu tư xây dựng cho công trình NƠXH dạng chung cư. Qua rà soát, suất vốn đầu tư xây dựng công trình NƠXH thấp hơn suất vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư thương mại khoảng 25%.
Như vậy, các dự án NƠXH triển khai xây dựng từ năm 2021 sẽ tham khảo, vận dụng suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành khi xây dựng phương án giá, theo đó suất vốn đầu tư xây dựng NƠXH thấp hơn nhà ở thương mại.
Ngoài ra, Chủ tịch Vinhomes cho biết dù là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng NƠXH cần phải đảm bảo. Hiện nay, suất đầu tư của NƠXH đã giảm khoảng 25% so với suất đầu tư của nhà ở thương mại. Trong khi đó, bản thân suất đầu tư của nhà ở thương mại đã thấp hơn thực tế nhà đầu tư đang làm.
“NƠXH còn thấp hơn nhà thương mại 25%, như vậy chúng ta cần phải xem xét lại”, ông Hoa kiến nghị.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cũng nêu về quyết định của Bộ Xây dựng đối với chung cư NƠXH phải giảm 25% giá thành so với chung cư thương mại và cho rằng điểm này rất khó với các chủ đầu tư NƠXH.
“Lợi nhuận của làm NƠXH được giới hạn ở 10%, nếu giảm 25% giá thành trong khi việc đầu tư không thua kém đầu tư NƠXH, vẫn phải làm hầm, tiện ích. Dù là người mua NƠXH, nhà ở công nhân thì vẫn cần có tiện ích, và tiện ích được tính vào giá thành. Chúng tôi đề xuất Bộ Xây dựng xem xét lại”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cũng nêu, định hướng xây dựng 1 triệu căn hộ cần khoảng 800.000 tỉ đồng trong khi hiện nay mới có gói tín dụng 120.000 tỉ, nguồn vốn được vay ưu đãi lãi suất 4,8% thì nguồn vốn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi kiến nghị cần có nguồn vốn ổn định phục vụ cho đề án 1 triệu căn hộ NƠXH bao gồm cả nguồn vốn nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thì chương trình mới thành công”, ông Tuấn đề xuất.
Tại hội thảo về NƠXH vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển NƠXH; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng…
Ngoài ra, các địa phương cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.