Hà Nội với loạt lễ hội truyền thống lớn đầu xuân

Văn hóa - Ngày đăng : 11:59, 16/02/2024

Từ ngày 15.2 (mùng 6 tháng giêng), hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội khai hội.
Văn hóa

Hà Nội với loạt lễ hội truyền thống lớn đầu xuân

Tuyết Nhung 16/02/2024 11:59

Từ ngày 15.2 (mùng 6 tháng giêng), hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội khai hội.

Khai hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024

Sáng 15.2 (mùng 6 tháng giêng), lễ hội chùa Hương chính thức khai hội với chủ đề "Văn minh, an toàn và thân thiện". Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội còn là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: Bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu... cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng.

q13.jpg
Khai hội chùa Hương năm 2024

Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết ngày khai hội chùa Hương vào ngày khai xuân, đi làm nên lượng khách đi lễ không đông như trong Tết và ngày cuối tuần. Vì thế, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đỡ vất vả hơn. Dự kiến, trong ngày khai hội, chùa Hương đón 3 vạn khách. Tính từ mùng 2 đến nay, lễ hội đón khoảng 13 vạn lượt khách.

Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban quản lý thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, Ban quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để tình trạng đỗ xe bừa bãi.

q14.png
Đò trên suối Yến ngày khai hội

Theo Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm nay đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát, gồm khoảng 200 người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá, "chặt chém" du khách.

Đặc biệt, để đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách, huyện Mỹ Đức đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương, vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự, thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.

Khai hội đền Hai Bà Trưng

Tối 15.2 (mùng 6 tháng giêng), lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) từ ngày 15 - 17.2 (mùng 6 đến hết mùng 8 tháng giêng Giáp Thìn).

anh-15.2-28.jpg
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đánh trống khai hội đền Hai Bà Trưng

Trong ngày 15.2, ngoài các hoạt động rước kiệu, cúng tế tại lễ hội theo nghi thức truyền thống địa phương, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao đã được tổ chức phục vụ nhân dân và du khách đến với lễ hội... Cùng với lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra sự kiện chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại với tên gọi "Âm vang Mê Linh".

Đây là một chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 - 43 sau công nguyên.

Lễ hội Gióng đền Sóc, lễ hội đền Cổ Loa

Sáng 15.2 (mùng 6 tháng giêng) đã diễn ra Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 17.2 (mùng 6 - 8 tháng giêng) với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.

15-le-ruoc-tuong2.jpg
Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn)

Theo nghi lễ truyền thống, đúng 7 giờ, lễ vật được các xã, thôn làng trên địa bàn bắt đầu rước vào đền. Dưới sự điều hành của chủ tế, 8 xã lần lượt cung tiến lễ vật: Giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết điểm mới của Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay là công tác tổ chức được chuẩn bị kỹ càng. Phần lễ được bảo đảm duy trì theo đúng nghi lễ thực hành đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phần hội năm nay có sự tham gia của nhiều tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Ngoài hoạt động thi đấu thể dục thể thao (vật, bóng chuyền hơi), sẽ có các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm...

Lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức để tưởng nhớ công đức của đức Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đã có công đánh đuổi giặc Ân.

Là một trong những lễ hội lâu đời, lễ hội đền Cổ Loa tổ chức để tưởng nhớ công đức của Vua An Dương Vương - người có công thành lập nên nhà nước đầu tiên của nước ta. Điểm nhấn của lễ hội là phần lễ rước thần với sự tham gia của người dân các làng trong 8 xã vùng Loa Thành (Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép). Phần hội năm nay có nhiều hoạt động hấp dẫn đặc trưng gồm các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn múa rối nước...

Trước ngày diễn ra các lễ hội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương để các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh trong suốt thời gian diễn ra, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Tuyết Nhung