Nguyên nhân hoa kiểng Tết 2024 ở ĐBSCL ế chưa từng thấy
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:51, 12/02/2024
Nguyên nhân hoa kiểng Tết 2024 ở ĐBSCL ế chưa từng thấy
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoa kiểng năm nay ế chưa từng thấy.
Do cung vượt cầu
Trong những năm gần đây, nghề trồng hoa kiểng không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng. Ngoài hai xứ hoa chính là Bến Tre và Đồng Tháp, các địa phương khác ở ĐBSCL cũng xuất hiện những vùng trồng hoa kiểng quy mô lớn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang…
Tại Bến Tre, hiện toàn tỉnh có gần 8.000 hộ sản xuất hoa kiểng, trong đó, huyện Chợ Lách chiếm hơn 80%. Hằng năm, Bến Tre cung ứng cho thị trường khoảng 10 - 15 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại như: mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, kiểng treo, kiểng lá, cây công trình.
Tỉnh Bến Tre đang triển khai đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỉ đồng. Đề án do UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt và là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đề ra trong nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Đồng Tháp, hoa kiểng là một trong những ngành hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, hằng năm mang lại nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng. Tại lễ khai mạc Festival hoa kiểng Sa Đéc, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết hoa kiểng Sa Đéc là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh, mang về hơn 6.000 tỉ đồng cho địa phương.
Hiện nay Đồng Tháp đã có hơn 3.000ha sản xuất hoa kiểng với hơn 2.000 giống hoa kiểng các loại, cung ứng cho cả nước hơn 12 triệu sản phẩm mỗi năm.
Qua con số thống kê hoa kiểng sản xuất hằng năm của hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp cho thấy sản lượng hoa kiểng của hai tỉnh này quá lớn, chưa tính hoa kiểng từ những vùng trồng rải rác ở ĐBSCL.
Một năm buồn của giới trồng và kinh doanh hoa kiểng
Tại các chợ hoa Thủ Đức, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu... từ ngày 29, 30 Tết Giáp Thìn, hoa xuống giá từng giờ.
Tại TP.Cần Thơ, đến trưa 30 Tết, hoa kiểng rớt giá chóng mặt. Một cặp vạn thọ Pháp vào những ngày 25, 26 Tết có giá 150.000 đồng, đến trưa 29 Tết giảm xuống còn 40.000 đồng; 1 cặp tắc 400.000 đồng vào ngày 25 Tết, đến trưa 30 Tết giá sụt xuống còn 150.000 đồng; hoa giấy (loại kiểng) ngày 25 Tết giá 700.000 đồng/1 cặp, ngày 30 Tết xuống giá còn 300.000 đồng…
Tại chợ hoa kiểng phường Phú Thứ, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ), nơi có cả trăm chủ bán hoa kiểng dọc theo công viên sông Hậu, trưa 29 Tết giảm giá sâu. Nguyên nhân là ở đây người bán nhiều hơn người mua.
Anh Nguyễn Văn Thanh, một người bán hoa vạn thọ đến từ làng hoa Bà Bộ (Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ) chỉ gian hàng hoa còn khoảng 100 chậu, nói: “Hoa vạn thọ hôm 25 Tết bán 140.000 đồng/ cặp, nay xuống giá còn 40.000 đồng. Sau 12 giờ ngày 30 Tết mà bán không hết thì tôi đem chất vào những gốc cây trong công viên, ai lấy thì lấy”.
Năm nay trên mạng xã hội xuất hiện những clip chặt phá hoa, nhưng ở Cần Thơ thì tình trạng này không thấy. Vào những phút cuối của kỳ bán hoa tết, các tiểu thương bán hoa ở Phú Thứ và các chợ trong nội ô TP.Cần Thơ hạ giá thấp nên nhiều người đến mua hết.
Tại TP.HCM, có một số nơi chính quyền địa phương mua hoa của tiểu thương bán ế để trang trí phố phường. Việc này giúp cho người bán hoa dù lỗ nhưng vẫn tốt hơn là chặt hoa tạo hình ảnh phản cảm. Có thể đây là kinh nghiệm để các nơi khác học hỏi khi đối xử với người trồng hoa và kinh doanh hoa kiểng.
Khi nói về hoa giá cao, về kinh doanh hoa kiểng người ta ít nói đến thương lái. Tuy nhiên, anh Võ Thanh Vân, một thương lái kinh doanh hoa kiểng ở Bến Tre cho biết: “Về hoa kiểng, có những thương lái chuyên doanh mặt hàng này. Với người trồng hoa kiểng thì “tháng 7 trồng hoa, tháng 3 chiết cành” để dưỡng hoa kiểng cho đến Tết. Còn thương lái thì từ tháng 7 đến tháng 10 phải đến khảo sát vùng hoa, khảo sát thị trường và đặt hàng, mua hàng, có thể phải đặt cọc trước nếu thấy mối hoa kiểng tốt giá, chốt hàng. Giá mua hoa kiểng với hình thức này chỉ bằng 30% giá khi bán trên thị trường Tết”.
Anh Vân phân tích: "Phải đầu tư trả tiền hoa kiểng theo thời gian giao ước, phải chịu lãi vay ngân hàng, phải chịu rủi ro thị trường, phải thuê chuyên chở, thuê người bán buôn và giữ gian hàng nơi chợ hoa; phải tính chi phí thuê mặt bằng... Vì vậy những thương lái hoa kiểng là người phải tính "nát óc" vì xác suất rủi ro cao. Thị trường hoa kiểng như Tết 2024 này thì thương lái lỗ nặng. Mỗi ngành nghề đều có nỗi khổ riêng. Người ta đổ tội cho thương lái, nhưng thương lái cũng chịu cay đắng như thường”.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho rằng: “Năm nay hoa kiểng bị ế bởi thị trường cung vượt cầu. Chỉ riêng Bến Tre và Đồng Tháp đã có hàng chục triệu đơn vị hoa kiểng. Ngoài ra, các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng trồng nhiều hoa kiểng do người dân nắm được kỹ thuật canh tác. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, mọi người tiết kiệm trong chi tiêu cũng là nguyên nhân làm cho sức mua giảm. Còn một nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng là thương lái khi đưa hoa kiểng đến chợ tết phần lớn đẩy giá quá cao, do họ cho rằng chi phí của họ lớn. Người mua cũng có tâm lý "chờ hoa kiểng giảm giá" trong ngày cuối năm...”
Về clip nông dân hay thương lái đốn kiểng, chặt hoa trên mạng xã hội, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho rằng có thể do một số thương lái "quá khích và tức giận", riêng nông dân trồng hoa thì ít ai nỡ lòng chặt kiểng, chặt hoa, vì họ thương cây kiểng, khóm hoa mình trồng như con của mình.