Khoảnh khắc nghị sĩ yêu cầu Mark Zuckerberg xin lỗi các bậc cha mẹ có con tuổi teen tự tử hoặc bị tổn hại
Thế giới số - Ngày đăng : 11:00, 01/02/2024
Khoảnh khắc nghị sĩ yêu cầu Mark Zuckerberg xin lỗi các bậc cha mẹ có con tuổi teen tự tử hoặc bị tổn hại
Thượng nghị sĩ Josh Hawley từng đưa ra một số quan điểm cực đoan, thậm chí nằm ngoài chuẩn mực bảo thủ thông thường và là nhân vật gây tranh cãi trong Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, những lời chỉ trích liên tục của ông với một số vấn đề thực sự đang xảy ra trong các hãng công nghệ lớn đôi khi khiến người ta nhớ đến tiêu đề kinh điển của trang web châm biếm Clickhole là "Đau lòng: Người tồi tệ nhất mà bạn biết vừa đưa ra quan điểm tuyệt vời".
Hôm 31.1.2024, trong phiên điều trần của Thượng viện về nạn bóc lột trẻ em trên mạng xã hội, Josh Hawley (đảng viên đảng Cộng hòa đến từ bang Missouri) đã thực hiện một trong những khoảnh khắc đó. Ông yêu cầu Mark Zuckerberg đứng lên, quay mặt về phía căn phòng đầy phụ huynh đang giơ ảnh những đứa con tuổi teen đã tự tử hoặc tổn hại sau khi bị bóc lột trực tuyến và buộc Giám đốc điều hành Meta Platforms phải xin lỗi.
Chắc chắn đó là một khoảnh khắc thực sự ấn tượng.
Tại sao lần này có thể khác?
Nữ phóng viên Katie Notopoulos thuộc trang Insider nói rằng đã xem nhiều phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ như vậy, nơi các giám đốc điều hành hãng công nghệ đổi áo hoodie thành vest với cà vạt và ngồi trước các nhà làm luật. Các nhà làm luật nhanh chóng có cơ hội để thể hiện sự nổi bật khi cố gắng chỉ trích giám đốc điều hành hãng công nghệ về bất cứ vấn đề nóng nào đó, từ hồ sơ Twitter, Nga can thiệp vào bầu cử, đến cáo buộc thiên vị chống bảo thủ…
Hiếm khi Quốc hội Mỹ tạo ra những ảnh hưởng thực sự. Thông thường, đó là màn công kích hoàn vô nghĩa và các nhà làm luật tự làm bẽ mặt mình vì không hiểu về công nghệ, giống như việc ai đó hỏi Sundar Pichai tại sao một bài báo không hay về thượng nghị sĩ lại xuất hiện trên iPhone của mình mà Giám đốc điều hành Google trả lời: "Thưa nghị sĩ, iPhone do một công ty khác sản xuất".
Ví dụ điển hình nhất về điều này chính là tình huống Mark Zuckerberg vào năm 2018 bị chất vấn về các hoạt động thu thập dữ liệu của Facebook. Thượng nghị sĩ Orrin Hatch (bang Utah), lúc đó 84 tuổi, đã hỏi làm thế nào Facebook có thể miễn phí cho người dùng. Mark Zuckerberg chớp mắt và đáp: "Thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo".
Lần này, mọi chuyện đã khác.
Căng thẳng về việc bóc lột trẻ em và gây tổn hại đến sức khỏe thanh thiếu niên đã gia tăng trong một thời gian dài, được nhấn mạnh bởi bài viết gây chấn động trên tạp chí The Wall Street Journal rằng Meta Platforms cố tình bỏ qua nghiên cứu nội bộ về tác động của Instagram với các cô gái tuổi teen.
Vào năm 2023, 33 bang ở Mỹ đã cùng nhau kiện Meta Platforms vì tác hại của nó với thanh thiếu niên. Một số bang, trong đó có Florida, đang nỗ lực thông qua luật hạn chế quyền truy cập của thanh thiếu niên vào các ứng dụng mạng xã hội.
Những câu chuyện gây sốc và đau buồn về nạn tống tiền tình dục (những người trẻ tuổi bị lừa tạo ra ảnh khiêu dâm rồi bị tống tiền, thường được thực hiện bởi các đối tượng nước ngoài) đã được đưa tin và cha mẹ của trẻ em là nạn nhân ngồi chật kín khán phòng phiên điều trần hôm 31.1.
Đạo luật An toàn Trực tuyến cho trẻ em được lưỡng đảng ủng hộ
Có một động lực thực sự mạnh mẽ nhằm thông qua luật cho vấn đề này, hoặc cuối cùng là thành lập một cơ quan quản lý liên bang Mỹ chuyên trách về phương tiện truyền thông xã hội. Không giống như phiên điều trần khác của Quốc hội Mỹ với các giám đốc điều hành hãng công nghệ, vốn đi vào ngõ cụt về những vấn đề như tranh cãi về thiên vị chính trị trong kiểm duyệt nội dung, “ngăn chặn nạn bóc lột trẻ em” là chủ đề nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ hai đảng.
Vấn đề là dự luật tiềm năng đang được thảo luận không hoàn toàn hoàn hảo. Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em (KOSA) được đề xuất sẽ cho phép phụ huynh nhiều quyền kiểm soát hơn với tài khoản của con cái và yêu cầu các nền tảng phải có cài đặt quyền riêng tư nghiêm ngặt hơn với thanh thiếu niên. Điều này nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng cũng yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn thanh thiếu niên truy cập vào nội dung được coi là có hại cho chúng.
Các tổ chức như ACLU và Electronic Frontier Foundation phản đối KOSA vì cho rằng nó có thể đi quá xa. Ví dụ KOSA có thể được hiểu là yêu cầu các nền tảng ngăn trẻ em xem nội dung về các vấn đề liên quan đến người chuyển giới hoặc thậm chí thảo luận về phân biệt chủng tộc. Electronic Frontier Foundation chỉ ra rằng Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, đảng viên Cộng hòa ở bang Tennessee, một trong những người đồng bảo trợ cho dự luật, trước đây nói rằng lý thuyết phê phán chủng tộc có hại cho trẻ em.
Phiên điều trần hôm 31.1 cũng tạo tiếng vang lớn về việc muốn dỡ bỏ hoặc cải cách Điều 230. Quy tắc này thường bảo vệ các nền tảng internet khỏi phải chịu trách nhiệm về nội dung được đăng trên các nền tảng đó. Điều 230 đang gây tranh cãi và trở thành điểm tập hợp của một số nhà bảo thủ cùng những người khác, vốn cáo buộc nó giúp các hãng công nghệ lớn che giấu những lời chỉ trích rằng họ không công bằng với tất cả các bên.
Tuy nhiên không giống như những lời chỉ trích trước đây về luật, chuyện đề cập bãi bỏ Điều 230 hôm 31.1 chủ yếu nhắm vào cảm xúc. Việc loại bỏ luật này có thể cho phép các bậc cha mẹ đang đau buồn kiện các hãng công nghệ để được bồi thường cho cái chết của con cái họ hoặc các nạn nhân bị bóc lột là trẻ em.
Tuy nhiên, sự an toàn của trẻ em khi trực tuyến vẫn là vấn đề nan giải.
Nạn bóc lột và xâm hại trẻ em trực tuyến không phải là vấn đề dễ giải quyết. Những hãng công nghệ lớn không thành công trong việc bảo vệ trẻ em trực tuyến đôi khi do bị thúc đẩy bởi rất nhiều yếu tố nội bộ, gồm cả lợi nhuận.
Nếu có một giải pháp thần kỳ nào đó có thể ngăn chặn việc bóc lột trẻ em trực truyến, chắc hẳn các công ty đã sử dụng rồi. Liệu kế hoạch điều chỉnh và khắc phục vấn đề này của các nhà làm luật Mỹ có hiệu quả hay không thì chưa ai biết chắc. Song hiện có đủ động lực đằng sau vấn đề này để tạo ra sự thay đổi.