Sính ngoại không còn là xu thế, hàng Việt 'lên ngôi' thị trường tết 2024

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:49, 21/01/2024

Thay vì chọn các mặt hàng ngoại vào giỏ quà tết, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước có xu hướng ưu tiên chọn hàng Việt để làm quà biếu tặng.
Thị trường và chính sách

Sính ngoại không còn là xu thế, hàng Việt 'lên ngôi' thị trường tết 2024

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 21/01/2024 14:49

Thay vì chọn các mặt hàng ngoại vào giỏ quà tết, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước có xu hướng ưu tiên chọn hàng Việt để làm quà biếu tặng.

Theo khảo sát của PV Một Thế Giới tại nhiều siêu thị ở Hà Nội như BigC, Aeon, Winmart, Co.opmart, Intimex..., hàng tết đã được bày biện vô cùng phong phú, đa dạng ở các quầy kệ. Đặc biệt, năm nay các loại hàng hóa "Made in Vietnam" đã chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ cao cấp đến bình dân.

420076148_370004065778576_3914933523915897817_n.jpg
Người dân đã rục rịch đi sắm tết từ đầu tháng chạp

Dạo quanh các kệ hàng hóa trong siêu thị có thể thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60 - 96%.

Lựa chọn đồ trên quầy bánh kẹo, chị Hoàng Nhật Linh (nhân viên hành chính tại một công ty ở Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào tôi cũng chọn mua hàng tết khá sớm để gửi tặng gia đình, bạn bè, người thân... Bây giờ hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất phong phú, chất lượng, mẫu mã không thua gì hàng ngoại nhập. Đặc biệt trong hai năm đại dịch vừa qua, công ty kinh doanh khó khăn nên những sản phẩm Việt vừa túi tiền được tôi ưu tiên lựa chọn nhiều hơn".

Chị Mai Hương ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội cho biết hàng Việt là ưu tiên của chị khi đi mua sắm, kể cả trong siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ. "Các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng có chất lượng, mẫu mã cũng đẹp không thua kém so với các mặt hàng nước ngoài mà giá thành lại rẻ hơn. Lựa chọn ưu tiên hàng Việt trong thời điểm kinh tế khó khăn này cũng giúp tôi tiết kiệm chi phí", chị Hương nói.

Chọn hàng Việt ngày tết như chị Linh, chị Hương cũng đang là xu hướng của rất nhiều khách hàng hiện nay. Nắm bắt nhu cầu đó, các doanh nghiệp sản xuất, siêu thị phân phối không ngừng tăng nguồn hàng, đa dạng sản phẩm phục vụ các "thượng đế".

Tết Nguyên đán Giáp Thìn diễn ra vào đầu tháng 2.2024. Do vậy, việc mua sắm hàng hóa của người dân sôi động vào thời điểm cuối tháng 1 dương lịch. Bởi vậy, ngay từ tuần đầu tiên của tháng 1, tại các siêu thị ở Hà Nội, công tác sắp xếp, phân loại, bày bán các mặt hàng tết trở nên khẩn trương, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, biếu quà tết sớm của khách hàng.

coop_b3ff9.jpg
Các mặt hàng Việt bày trên kệ hàng siêu thị

Chị Trang Nhung nhân viên một siêu thị ở phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa tết đã được siêu thị lên kế hoạch chuẩn bị từ đầu quý 4/2023. Thời điểm này, nhiều siêu thị bày bán tất cả các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết tại các vị trí trung tâm, dễ nhìn, trang trí bắt mắt nhất để thu hút khách hàng, đặc biệt là các mẫu giỏ quà để các đơn vị, doanh nghiệp đến tham quan, đặt hàng tặng quà tri ân khách hàng, nhân viên, người lao động.

Tuy nhiên, so với mọi năm, việc tiêu thụ dự báo sẽ chậm hơn do kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên tại nhiều cửa hàng, đơn vị, lượng hàng nhập, dự trữ vẫn giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng thời điểm năm trước.

Theo ghi nhận PV, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều biến động, nhưng các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn giữ giá ổn định như năm 2023. Thậm chí, một số mặt hàng giảm giá như dầu ăn các loại giảm từ 20.000 - 50.000 đồng/can 5 lít tùy loại, nước giặt nhiều loại cũng giảm từ 30.000 - 50.000, nước mắm nhiều loại cũng giảm từ 5.000 - 10.000 đồng... Mặt hàng được người tiêu dùng tìm mua nhiều là các loại giỏ quà tết, mẫu mã năm nay cũng khá đa dạng, giá thành mỗi giỏ từ vài trăm đến vài triệu đồng/giỏ.

Điều dễ nhận thấy trên những kệ hàng thiết yếu trong dịp tết những năm gần đây là các mặt hàng "Made in Vietnam" chiếm ưu thế hơn cả như bánh kẹo Hải Hà, Hữu Nghị, Kinh Đô, Tràng An; dầu ăn Neptune, Mezan, Tường An... Hàng Việt thu hút người tiêu dùng không chỉ bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà nhờ có sự cải thiện đáng kể về mẫu mã cũng như giá cả bình dân, rẻ hơn nhiều so với các loại hàng nhập khẩu, các mặt hàng sản xuất trong nước ngày càng có sức tiêu thụ lớn.

Đại diện AEON Việt Nam cho biết hệ thống siêu thị đã chuẩn bị hàng tết từ giữa năm 2023 với cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%.

Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết đơn vị này đã đưa lên kệ các giỏ quà tết để phục vụ người tiêu dùng, với các sản phẩm chủ yếu là hàng Việt Nam như cà phê, hạt điều, bánh, kẹo, mứt, rượu... "Giỏ quà Tết Đoàn Viên bao gồm các sản phẩm đậu phộng phô mai Tân Tân, cà phê Wake-up nâu đá, kẹo Sugus, trà vị chanh Nestea; bánh Hữu Nghị, trái cây sấy Vinamit, rượu vang Đà Lạt...", bà Dung ví dụ.

Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng chiếm ưu thế trong cơ cấu hàng hóa. Những ngày này, trên các tuyến phố Hà Nội tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo như Trần Xuân Soạn, Hàng Buồm, Lê Trọng Tấn... điều dễ nhận thấy hầu hết sản phẩm bầy bán được cung cấp từ doanh nghiệp nội. Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng bánh kẹo Việt Nam chiếm ưu thế trước hàng nhập khẩu, các tiểu thương có chung ý kiến, sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại, bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng 50 - 60% hàng ngoại.

Theo các cửa hàng, siêu thị, nhiều người tiêu dùng có xu hướng sắm tết sớm, bởi ở thời điểm này dễ dàng lựa chọn các sản phẩm ưng ý, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy trong ngày tết. Đồng thời, nhiều người có xu hướng mua sắm tết trên các sàn thương mại điện tử hay trang mạng xã hội, bởi nhanh chóng, tiện lợi.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng giá dẫn tới hàng hóa tăng tương ứng. Để hạn chế hiện tượng này, giảm áp lực kinh tế cho người dân, các siêu thị đều cam kết không tăng giá hàng hóa.

Về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đang tích cực làm việc với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cuối năm và dịp tết 2024. Trên thực tế, nguồn hàng phục vụ Tết rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.

Theo đó, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, TP.Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1.500 tấn bánh kẹo...

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung