Sau năm 2018 trúng đậm, giờ người nuôi cá tra lại đối diện thách thức
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:57, 17/05/2019
Giá giảm, xuất khẩu khó khăn
Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, vào năm 2018, hầu hết người nuôi cá trúng đậm nhờ giá cao ngất ngưởng; tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, giá cá tra chựng lại và liên tục sụt giảm xuống mức 23.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang nhận định: “Người nuôi lúc này đang bắt đầu cảm nhận những khó khăn quay trở lại sau thời gian được giá trước đó. Nguyên nhân do thời điểm năm ngoái giống cá tra rất đắt nhưng ai cũng thả nuôi khiến chi phí đầu vào khá cao; nay cá tra thương phẩm sụt giảm và người nuôi đứng trước nguy cơ từ hòa tới lỗ…”.
Lãnh đạo HTX Sản xuất - Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) trăn trở: “Năm ngoái cá tra thắng lớn nên ai cũng hả hê, tuy nhiên cần thấy rằng diễn biến thị trường cá tra vô cùng khó lường, giá cả lên xuống rất khó đoán. Vì vậy không nên chạy theo số lượng mà phát triển đại trà; nhất là giai đoạn hiện nay cần kiểm soát chặt diện tích, vùng nuôi… tránh để thừa nguyên liệu dẫn đến giá tiếp tục sụt nữa thì sẽ nguy to”.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, mấy tháng gần đây xuất khẩu mặt hàng cá tra có nhiều biến động; trong đó xuất khẩu sang những thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ đang sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 3.2019, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông chỉ đạt 39,47 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ.
Cần đa dạng thị trường xuất khẩu cá tra - Ảnh: Nguyễn Huỳnh
Đối với thị trường Mỹ thì xuất khẩu cá tra tháng 3.2019 cũng giảm hơn 44% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo hơn khi mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (từ đầu tháng 8.2016 đến cuối tháng 7.2017), với mức thuế cuối cùng tăng khá cao, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước những khó khăn trên, nhiều khả năng tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục giảm vào quý 2.2019.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho rằng: “Trong cơ cấu xuất khẩu cá tra hiện nay thì Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường quan trọng; riêng năm 2018 các doanh nghiệp xuất cá tra sang 2 thị trường này đạt tới 1 tỉ USD. Đặc biệt giá xuất vào Mỹ rất cao, từ 5- 6 USD/kg, tăng gấp 2 lần so với năm 2013- 2014.
Cái được là vậy, song cần thấy rằng Trung Quốc là thị trường mới tiêu thụ cá tra gần đây nhưng tăng trưởng rất mạnh và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi các chính sách thường xuyên thay đổi. Đối với Mỹ, nhiều năm nay luôn gặp trở ngại về áp thuế cao, gây khó cho việc gia tăng xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Do đó, để giải quyết bài toán bền vững thì cần đa dạng, mở rộng thị trường xuất khẩu; không nên phụ thuộc quá nhiều vào 1 hoặc 2 thị trường lớn nào”.
Theo ông Doãn Tới, vấn đề cấp bách là nhanh chóng khôi phục mạnh thị trường EU, đây là thị trường quan trọng đóng vai trò dẫn dắt cho xuất khẩu cá tra. Điều đáng mừng là sau thời gian sụt giảm về kim ngạch, thì gần đây xuất khẩu cá tra sang EU tăng trở lại; trong tháng 2 và tháng 3.2019 xuất đạt gần 72 triệu USD, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ tính riêng 4 thị trường lớn trong khối là Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ tăng trưởng lần lượt 29%; 53%; 66,6% và 86,9% so với 3 tháng đầu năm 2018. Tại khu vực ASEAN trong quý 1.2019, xuất khẩu cá tra sang khối này cũng được duy trì tốt với kim ngạch hơn 55 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số thị trường tiềm năng như UAE, Colombia, Brazil… lại khó khăn khi xuất khẩu cá tra đang giảm.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản lưu ý: Rào cản kỹ thuật từ nhiều nước trên thế giới luôn đặt ra và yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng cao. Điển hình như Trung Quốc dần siết chặt nhập khẩu nông thủy sản qua đường biên mậu và yêu cầu các lô hàng thủy sản nhập khẩu phải được sản xuất từ cơ sở có tên trong danh sách, kèm chứng thư; EU cảnh báo các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam nếu phát hiện hóa chất kháng sinh bị cấm thì sẽ đưa khỏi danh sách xuất vào EU.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL - Ảnh: Nguyễn Huỳnh
Trong khi Brazil không cho phép sử dụng phụ gia trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh và kiểm tra các chỉ số khác, đồng thời ngưng nhập khẩu nếu có lô hàng vi phạm. Còn Nga cũng thường xuyên kiểm tra và ban hành đình chỉ nhập khẩu thủy sản nếu doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh cáo hoặc không đáp ứng các quy định…
Trước những khó khăn trên, ngoài việc tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, thích ứng với nhu cầu và quy định của từng thị trường, chấp hành nghiêm các tiêu chuẩn về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước, chất phụ gia… nhằm đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đối với người nuôi cá tra cần nâng cao ý thức, nuôi an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để tạo ra nguồn nguyên liệu cá tra sạch, không nhiễm kháng sinh.
Có thể nói, cá tra là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế; tuy nhiên việc phát triển chưa bền vững, bộc lộ nhiều nỗi lo. Các doanh nghiệp thủy sản có thâm niên ở ĐBSCL nhìn nhận: Giai đoạn phát triển rầm rộ những năm 2000 đến 2016 dẫn đến cung vượt cầu khiến nhiều nhà máy và người nuôi thua lỗ, là bài học xương máu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Sau 2 năm (2017- 2018) cá tra lấy lại vị thế thì gần đây giá giảm trở lại.
Vấn đề hiện nay là bình tĩnh ứng phó, không mở thêm vùng nuôi, mà cần đầu tư đi vào chiều sâu theo chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và tăng cường chế biến nhiều sản phẩm để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường. Song song đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra trên thế giới; có chính sách giữ thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.
Nguyễn Huỳnh