Hai mục tiêu lớn trong năm 2024 về an toàn giao thông
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:02, 09/01/2024
Hai mục tiêu lớn trong năm 2024 về an toàn giao thông
Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu trong năm 2024: Giảm ùn tắc và số vụ tai nạn giao thông.
Sáng 9.1, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2023, TP.HCM xảy ra 1.734 vụ tai nạn giao thông (bao gồm cả va chạm giao thông), khiến 663 người chết và 1.049 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 411 vụ (-19%), giảm 116 người chết (-15%) và giảm 271 người bị thương (-21%).
Trong năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 8 điểm đen tai nạn giao thông, trong năm phát sinh mới 7 điểm đen, đến nay đã xóa 7 điểm đen. Đồng thời, TP đã triển khai kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát đối với 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Đến nay, 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 8 điểm chưa có chuyển biến.
Theo ông Cường, năm 2023, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tập trung kiểm soát từ đầu năm theo chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”.
Đặc biệt là phòng chống tác hại rượu bia và vi phạm tốc độ trong tham gia giao thông. “Năm 2024, nếu TP.HCM vẫn giữ vững được hiệu quả về đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì năm 2025 sẽ tiếp tục duy trì chủ đề trên”, ông Cường nhấn mạnh.
Hiện TP có nhiều dự án, công trình trọng điểm đang được triển khai. Ông Cường đề nghị Chính phủ, các ban ngành tạo điều kiện, hỗ trợ để TP đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vào tháng 7.2024. Đối với dự án đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ông cho biết TP tăng cường tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Đặc biệt là trong thời điểm lễ tết đến gần.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn TP.HCM cũng còn một số tồn tại, như ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận tham gia giao thông chưa cao; số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng trong khi hệ thống hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng đủ; công tác triển khai các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả còn hạn chế; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh buôn bán vẫn còn xảy ra...
Về mục tiêu 2024, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư, các nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia dự kiến phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2023, số vụ tai nạn có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao.
Theo thống kê, trên đường bộ, trong năm 2023 đã xử lý tổng 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm). Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang… Trên đường sắt có 154 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 151 vi phạm nồng độ cồn trên đường thuỷ nội địa.
Báo cáo của Bộ Y tế tính đến ngày 3.1, tổng số trường hợp tai nạn giao thông có xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là 148.889 trường hợp. Qua đó, số trường hợp tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu là 60.038 trường hợp.