Luật sư bào chữa gì cho cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long?
Sự kiện - Ngày đăng : 16:15, 08/01/2024
Luật sư bào chữa gì cho cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long?
Luật sư mong HĐXX xem xét lời đề nghị của các nhà khoa học, ghi nhận những tâm huyết, nỗ lực của ông Long trong sự phát triển của KH-CN nói chung và hệ thống y tế dự phòng nói riêng.
Sáng 8.1, VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) từ 19 - 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Theo VKS, bị cáo Long đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức cho kit xét nghiệm trái quy định của pháp luật.
Chiều cùng ngày, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, luật sư Trần Nam Long cho biết việc ông Long và các bị cáo làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế làm sai đều nằm trong bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.
Theo luật sư, toàn bộ các sai phạm bị cáo buộc đều diễn ra vào thời điểm tháng 3.2020, khi mà tình hình dịch SARS-CoV-2 đã lan rộng ra nhiều nước và một số nước có diễn biến cực kỳ phức tạp.
Liên quan đến sai phạm trong quá trình cấp phép tạm thời, theo luật sư Nam Long, tại thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Long mới làm việc tại Bộ Y tế với tư cách là Thứ trưởng được khoảng 1 tuần. Do đó, tại thời điểm sự kiện cấp phép tạm thời diễn ra, bị cáo Long không hề tiếp cận hồ sơ cấp phép, không nắm được quy trình cấp phép.
Về vấn đề hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương, luật sư dẫn chứng sự phân công trong Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, trong lãnh đạo bộ và trong Ban Chỉ đạo trung ương; việc hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đã được giao cho Thứ trưởng Trương Quốc Cường phụ trách. Với vị trí là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, ông Long chỉ là người ký Quyết định thành lập tổ công tác hiệp thương giá.
Với những tình tiết trên, luật sư rất mong HĐXX và VKS xem xét lại cáo buộc thân chủ khi đã có hành vi “… không chỉ đạo xử lý, ban hành kết luận kiểm tra, rút đăng ký lưu hành”.
Liên quan đến số tiền 2,25 triệu USD bị cáo Long đã nhận từ Phan Quốc Việt, vị luật sư cho hay căn cứ bối cảnh, thời gian của việc nhận tiền, có cơ sở nhận định rằng bị cáo Nguyễn Thanh Long không có hành vi đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu.
Tại tòa, luật sư cho biết ở thời điểm việc cấp kit xét nghiệm tạm thời, chỉ đạo hiệp thương giá và các sự kiện khác diễn ra, bị cáo Long đã thực hiện nhiệm vụ một cách không vụ lợi. Phan Quốc Việt đưa tiền là sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh sản phẩm kit xét nghiệm có lợi nhuận.
Về các tình tiết giảm nhẹ, luật sư Nam Long nhấn mạnh việc gia đình bị cáo Long đã nộp toàn bộ số tiền đã nhận ngay trong giai đoạn điều tra.
Nói về Giáo sư, nhà khoa học, vị tư lệnh ngành y Nguyễn Thanh Long, luật sư cho biết thân chủ của ông đã có nhiều thành tích, như trực tiếp chỉ đạo thiết lập hệ thống tiêm chủng vắc xin COVID-19; trực tiếp đi vào “chiến trường”…
Tiếp lời, luật sư nêu rõ hiện bị cáo Long mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, mắt trái hầu như mất hẳn thị lực; có thể đột tử bất cứ lúc nào vì những rối loạn chứng ngưng thở khi ngủ, trong trại tạm giam cũng phải dùng máy thở.
Ngoài ra, luật sư đã nhận được văn bản xin giảm nhẹ cho ông Long từ các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành hiện nay, cũng như từ những người học trò đã được cựu bộ trưởng chỉ dạy.
Luật sư cho rằng đây là những đánh giá khách quan từ những người làm khoa học, làm công tác chuyên môn trong ngành y tế đối với người đồng nghiệp, người lãnh đạo và người thầy của mình.
Từ đó, luật sư bào chữa kính mong HĐXX xem xét lời đề nghị của các nhà khoa học, ghi nhận những tâm huyết, nỗ lực của ông Long trong sự phát triển của KH-CN nói chung và hệ thống y tế dự phòng nói riêng...
Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh phạm tội của Phan Quốc Việt
Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư của Việt cho rằng khi đưa tiền cho một số bị cáo trong vụ án, Việt đưa tiền cho họ chỉ với suy nghĩ đây là những người đã có công giúp Việt Á được sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 phục vụ chống dịch, khi công ty có lợi nhuận thì trích ra để cảm ơn họ.
Theo luật sư, trong quá trình điều tra, Phan Quốc Việt đã chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ của mình; tích cực hợp tác giúp CQĐT để điều tra, xử lý các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình.
Trước khi dừng lời, vị luật sư đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh mà Phan Quốc Việt phạm tội bởi đó là bối cảnh cấp thiết, hoàn cảnh đặc biệt khi Việt Á tham gia chống dịch COVID-19; và Việt Á có nhiều đóng góp cho công cuộc chống dịch của các địa phương và cả nước.
Trước đó, VKS nhận định Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) đóng vai trò chủ mưu, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Tuy nhiên, theo VKS, tại phiên tòa, bị cáo đã khai báo thành khẩn, nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị được dùng tài sản bị phong tỏa để khắc phục hậu quả.
Từ đó, VKS đề nghị xử phạt Việt tổng hợp 30 năm tù cho cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.