Robot tự hành của NASA chụp ảnh 360 độ về miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:55, 05/01/2024
Robot tự hành của NASA chụp ảnh 360 độ về miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa
Robot tự hành Perseverance của NASA đang khám phá hệ thống đồng bằng, sông hồ cổ xưa ở miệng núi lửa Jezero - nơi lưu giữ bằng chứng về đời sống vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa.
Robot tự hành Perseverance của NASA được phóng từ bang Florida (Mỹ) vào ngày 30.7.2020 và đáp xuống sao Hỏa vào tháng 2.2021. Vào ngày 12.12.2023, Perseverance đã đạt được một cột mốc quan trọng là 1.000 ngày trên sao Hỏa. Để ăn mừng, NASA đã phát hành một video cho thấy góc nhìn 360 độ về vị trí hiện tại của thiết bị, cũng như những hình ảnh hiện trường do nhà khoa học của dự án Ken Farley chia sẻ.
Video tổng hợp bao gồm 993 hình ảnh riêng lẻ được chụp bằng thiết bị Mastcam-Z của Perseverance trong năm ngoái vào ngày 3.11, 4.11 và 6.11, với tổng độ phân giải lên tới 2,38 tỉ pixel.
Bạn có thể nhận thấy có sự khác biệt lớn về màu sắc giữa hình ảnh và video trong bài viết này. Trong khi hình ảnh hiển thị màu sắc tự nhiên trên sao Hỏa do camera ghi lại, thì hình ảnh trong video đã được điều chỉnh theo ánh sáng giống Trái đất. Theo NASA, sự điều chỉnh này cho phép các nhà khoa học của sứ mệnh sử dụng kinh nghiệm hàng ngày của họ để mô tả cảnh quan.
Cảnh quan đó là miệng núi lửa Jezero, nơi một dòng sông đã chảy vào một hồ nước cổ ước tính khoảng 3,5 tỉ năm trước. Ngoài việc nghiên cứu địa chất của miệng núi lửa, các nhà khoa học đang tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ xưa trên sao Hỏa.
Hiện tại, Perseverance đang đứng trên đỉnh của một khu vực mà nhóm các chuyên gia dự án gọi là “Đồi Airey”. Cảnh quan ở đây có dấu hiệu của nước với những tảng đá phẳng, sáng màu. Một mỏm đá bất thường cũng đã thu hút sự quan tâm của nhóm nghiên cứu, họ nghi ngờ nó có thể là tàn tích của dòng dung nham cũ.
Farley nói trong video: “Thiết bị phòng thí nghiệm trên Trái đất có thể đo chính xác thời điểm đá núi lửa được hình thành. Vì vậy nếu có thể đưa mẫu dung nham này về Trái đất trong tương lai, chúng ta có thể biết khi nào và trong bao lâu nước chảy vào Jezero”.
Trước đây, Perseverance đã nghiên cứu đáy miệng núi lửa trước khi đi qua lớp trầm tích của vùng đồng bằng sông. Tiếp theo, nó sẽ di chuyển “ngược dòng” đến điểm mà dòng sông tạo thành một hẻm núi ở vành miệng núi lửa. Sau đó, Perseverance sẽ leo lên một đoạn đường dốc tự nhiên đến tận vành đai.
“Mục tiêu hấp dẫn tiếp theo là những tảng đá sáng màu nằm ở phần vành đai miệng núi lửa. Chúng có thể đã tương tác với nước nóng trong môi trường thủy nhiệt - một nơi thú vị khác để săn tìm bằng chứng về sự sống cổ đại từng có trên sao Hỏa”, Farley cho biết.