Doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo Việt
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:21, 07/05/2019
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết ngày 6.5 Hiệp hội Lương thực Trung Quốc và 20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo đến từ các địa phương của Trung Quốc là Hạ Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Trung Sơn, Đông Quảng, Quảng Châu, Hồ Nam, Giang Tô, Thâm Quyến… đã đến tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang để trực tiếp đàm phán, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu gạo trong thời gian sắp tới.
Ông Lưu Anh, Uỷ viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây cho biết, trước đây tỉnh Sơn Tây và một số địa phương ở Trung Quốc thường nhập khẩu gạo của Thái Lan, Pakistan nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nhập khẩu gạo từ Việt Nam vì gạo Việt Nam chất lượng cao, giá tốt, giao thương giữa hai quốc gia có nhiều thuận lợi.
Ông Lưu Anh đánh giá: "Từ thực tế tận mắt xem hệ thống nhà máy xay xát gạo, kho trữ, các phòng Lab kiểm tra chất lượng, nhiều mẫu gạo chất lượng cao được trưng bày là tiềm năng để Hiệp hội và doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm hợp tác, nhập khẩu gạo số lượng lớn trong thời gian sắp tới".
Ông Trần Văn Bảo - Đại diện Tập đoàn Thâm Đồng Hâm (TP.Thâm Quyến) cho biết đã nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong đó 70% lượng gạo nếp được nhập khẩu từ Long An. Đối với Trung Quốc, sản phẩm gạo thâm nhập được vào thị trường quan trọng là phù hợp với khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người dân, và hơn nữa chất lượng gạo là yếu tố quyết định. Với sản lượng và chất lượng gạo của Long An, ông Bảo chắc chắn trong thời gian sắp tới, hạt gạo chất lượng cao được sản xuất tại Long An sẽ có mặt tại nhiều nơi ở Trung Quốc.
Năm 2018 theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỉ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% thương mại gạo toàn cầu.
Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại (như gạo hạt dài, gạo thơm, jasmine, japonica, nếp…), giá trị, chất lượng với các thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hồng Kong, Singapore...
Trung Quốc hiện kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo qua biên giới, tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của một số thị trường như: Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar…
Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường Trung Quốc thường được đánh giá là thị trường dễ tính, có nhu cầu lớn nhập khẩu lúa gạo trong khi gạo Việt có thế mạnh như giá rẻ, vận chuyển dễ dàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, ưu thế giá kể trên đã không giúp mặt hàng này cạnh tranh tốt tại thị trường Trung Quốc khi giá gạo 25% và 5% tấm của Việt Nam gần đây đã xấp xỉ so với giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ ở vùng thấp.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần phải có đủ kho tàng để dự trữ gạo, chủ động và điều khiển giá theo các hợp đồng chính ngạch, cương quyết không chạy theo số lượng. Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau để có thể chủ động được giá cả theo hợp đồng.
Phải hình thành nhiều tập đoàn sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, đủ mạnh theo ngành hàng và phải huy động tổng lực từ chính sách của nhà nước, đầu tư vốn, khoa học công nghệ và hình thức tổ chức sản xuất lúa gạo. Chỉ sản xuất lúa gạo chất lượng cao với chi phí thấp, mới có thể cạnh tranh được với với bất kỳ thị trường nào
Tuyết Nhung