Nhật làm cách nào giảm được thương vong do động đất?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:30, 04/01/2024

Trang Wion News chỉ ra những điều có thể học từ Nhật Bản để giảm thiểu thương vong do động đất gây ra.
Khoa học - công nghệ

Nhật làm cách nào giảm được thương vong do động đất?

Cẩm Bình 04/01/2024 16:30

Trang Wion News chỉ ra những điều có thể học từ Nhật Bản để giảm thiểu thương vong do động đất gây ra.

Nhật Bản hứng chịu trận động đất 7,5 độ richter ngay ngày đầu tiên của năm mới. Hãng Kyodo News cho biết số thiệt mạng tính đến sáng 4.1 là 78 người, thấp hơn rất nhiều so với thảm họa tương tự ở các quốc gia khác. Động đất 7,8 độ richter ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái cướp đi sinh mạng hơn 50.000 người, động đất cường độ tương tự tại Nepal năm 2015 khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng và động đất 6,3 độ richter xảy ra ở Afghanistan vào tháng 10 cùng năm cũng gây ra thương vong hơn 2.000.

lam.jpg

Vị trí nguy hiểm của Nhật

Nhật nằm trong “Vành đai lửa Thái Bình Dương” nên mỗi năm hứng chịu khoảng 20% số trận động đất trên 6 độ richter trên thế giới. Không phải trận động đất nào cũng gây thương vong nhưng người nước này cảm nhận được rung lắc nên luôn đề cao cảnh giác.

Đáng chú ý hơn, Nhật tọa lạc ngay điểm giao nhau giữa 3 mảng kiến tạo chính. Vì vậy nước này luôn bị tác động bởi lực phát sinh từ sự dịch chuyển liên tục của mảng kiến tạo.

Hiểu rõ tình trạng địa chất, lập kế hoạch tỉ mỉ và liên tục phải thích ứng biến Nhật trở thành “tấm gương” ứng phó động đất toàn cầu.

Quy định xây dựng nghiêm ngặt và không ngừng cập nhật

Chấp hành quy định xây dựng nghiêm ngặt là một trong các biện pháp then chốt. Mọi ngôi nhà đều được thiết kế và xây dựng để chống chịu động đất theo 2 cấp độ chính. Cấp độ đầu tiên tập trung vào động đất yếu, áp dụng cho công trình không bị hư hại. Cấp độ thứ 2 tập trung ứng phó động đất mạnh bất thường hiếm gặp.

Cách tiếp cận như vậy không đảm bảo hoàn toàn không có thiệt hại, nhưng góp phần đạt mục tiêu ngăn ngừa thương vong về người.

Hệ thống cảnh báo sớm

Hệ thống cung cấp thông tin cập nhật liên tục trước lúc xảy ra rung lắc mạnh, giúp chính quyền lẫn người dân kịp thời ứng phó.

Mỗi điện thoại di động ở Nhật đều được trang bị hệ thống cảnh báo khẩn cấp về động đất và sóng thần, phát ra âm thanh “Jishin desu! Jishin desu!” (tạm dịch “có động đất”) cho đến khi trận động đất lắng xuống.

Tàu cao tốc cũng có cảm biến địa chấn tạm dừng phương tiện lúc xảy ra động đất. Cảm biến được cập nhật công nghệ mới, giảm thời gian phản ứng từ trên 3 giây xuống còn khoảng 1 giây.

Giáo dục và diễn tập

Từ lúc còn nhỏ, người dân Nhật đã được dạy về quy trình ứng phó tình huống khẩn cấp thông qua diễn tập thường xuyên. Giáo dục thiên tai là hoạt động định kỳ tại trường, từ mầm non, tiểu học đến các cấp cao hơn.

Khẩu hiệu phòng chống thiên tai, chẳng hạn “Sóng thần Tendenko” - được truyền lại qua nhiều thế hệ. “Tendenko” nghĩa là “mỗi người riêng lẻ”, do đó “Sóng thần Tendenko” nhằm kêu gọi mọi người tự mình chạy lên khu vực cao hơn là cố gắng dựa vào người thân vì sóng thần sẽ ập đến sau một trận động đất lớn.

Bộ dụng cụ sinh tồn

Dù mỗi gia đình có sự chuẩn bị khác nhau, nhưng đa số đều trang bị sẵn bộ dụng cụ sinh tồn gồm vật tư sơ cứu, nước đóng chai, thực phẩm dự trữ, găng tay, khẩu trang, tấm cách nhiệt, đèn pin, radio để cập nhật thông tin liên tục.

Mới vài tháng trước, Nhật tăng cường khả năng ứng phó bằng cách đặt nhiều máy bán hàng tự động cung cấp thực phẩm và đồ uống miễn phí phòng trường hợp động đất hoặc bão lớn ập đến. Mỗi máy chứa khoảng 300 lon/chai nước ngọt cùng 150 mặt hàng thực phẩm khẩn cấp được đặt gần địa điểm sẽ trở thành trung tâm sơ tán lúc cần thiết.

Chuẩn bị ứng phó sóng thần

Nhật Bản xây dựng công trình rào cản cùng tường chắn sóng ven biển, kết hợp hệ thống cảnh báo mạnh mẽ. Ở trận động đất mới nhất, cơ quan chức năng đã nhanh chóng sơ tán hàng chục nghìn người.

Cẩm Bình