'Cần xác định kinh tế tư nhân là rường cột của kinh tế nước nhà'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:55, 02/05/2019
"Cỗ máy" tạo việc làm lớn nhất nền kinh tế
Theo ông Lộc thì hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn.
Đây là khu vực mưu sinh của hàng chục triệu gia đình. Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng.
Vì vậy, ông Lộc đề nghị khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của người dân và các doanh nghiệp dân tộc - trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này cũng nói nên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu đổi mới”, ông Bình nói và cho rằng phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động.
Do vậy, bên cạnh việc xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.
Cùng với đó, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng các công cụ chính sách và các nguồn lực để định hướng, điều tiết nền kinh tế. Còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay, vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển.
“Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn ở mức “thường thường bậc trung”. Thể chế nào thì doanh nhân đó, vì vậy cần bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm tất cả các chỉ tiêu phải đạt TOP 50 của thế giới, và điểm số chung phải lọt vào TOP 3, TOP 4 trong ASEAN.
Chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua. Trong số 700 ngàn doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Để khắc phục tình trạng này, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới phải hướng tới mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.
Cũng theo ông Lộc, đâu đó vẫn còn tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh mang tính chất đối phó và chưa thực chất. Vẫn có hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật và khổ nạn cấp phép, xin - cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn.
Để tạo sự bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, ông Lộc đề nghị giao cho VCCI chủ trì cùng với CIEM và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng và kiến nghị với các bộ ngành.
Để DN Việt làm các dự án lớn
Theo người đứng đầu VCCI, xã hội hóa dịch vụ công và thực hành đối tác công-tư (PPP) trong mọi lĩnh vực có thể là con đường huy động sức dân cho các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, so với các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và phi chủ quản hóa các doanh nghiệp nhà nước thì nhiệm vụ xã hội hóa các dịch vụ công các bộ ngành còn triển khai rất chậm trễ.
“Việc gì người dân và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội làm được thì Nhà nước không ôm. Để đạt được mục tiêu tinh giản hóa bộ máy, giảm chi tiêu và đầu tư của nhà nước, huy động được nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời mở ra thị trường và không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân - một mũi tên trúng được nhiều đích”, ông Lộc nói.
Cùng với đó, các công trình dự án đầu tư công lớn cần đưa ra bàn bạc với cộng đồng doanh nghiệp. Với sự chung tay của các doanh nghiệp Việt đầy triển vọng, ông Lộc tin rằng các doanh nghiệp Việt có thể chung tay với Nhà nước đóng vai trò chủ trì theo phương thức đối tác công-tư trong xây dựng các công trình lớn hàng đầu của đất nước như cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành... và các dự án chiến lược khác.
“Đây là nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt, là trách nhiệm của họ với đất nước và đây có lẽ là thời điểm thích hợp các doanh nghiệp Việt có thể hợp sức làm nên những công trình có tầm vóc lịch sử này”, ông Lộc nói.
Lam Thanh