Điểm lại các vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC
Sự kiện - Ngày đăng : 18:20, 30/12/2023
Điểm lại các vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC
Tính tới thời điểm này (cuối năm 2023), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) bị xác định liên quan tới 4 vụ án.
Vụ án xảy ra tại VNCERT
Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 29.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với 9 bị can trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT-TT.
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC, hiện đang bị truy nã) cùng 8 bị can khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có 2 bị can là cán bộ của Bộ TT-TT, gồm Nguyễn Trọng Đường (nguyên Giám đốc VNCERT, hiện là Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính) và Ngô Quang Huy (nguyên Phó giám đốc VNCERT, hiện là Phó chánh Văn phòng Bộ).
Các bị can bị khởi tố vì có hành vi sai phạm trong quá trình lập, phê duyệt, tổ chức đấu thầu “Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị và dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế” do VNCERT thực hiện trong năm 2017.
Theo Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Nguyễn Trọng Đường đã chỉ đạo một số cán bộ cấp dưới thông đồng với Công ty TNHH TM-DV Khang Phát (đơn vị tư vấn), Công ty CP thẩm định giá BTC Value, và nhà thầu cung cấp thiết bị là Công ty AIC, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Tính tới thời điểm này (cuối năm 2023), đây là vụ án thứ 4 mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) bị điều tra.
Vụ án xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Đầu năm 2023, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 30 năm tù trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu, đưa - nhận hối lộ” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Đây là vụ án đầu tiên mà bà Nhàn bị điều tra và đưa ra xét xử vắng mặt.
Mặc dù bị cáo Nhàn được luật sư “kháng cáo thay” nhưng HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội xét thấy bị cáo bỏ trốn từ giai đoạn điều tra, bị CQĐT ra Quyết định truy nã, đến nay chưa có kết quả, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt các bị cáo, thực hiện việc niêm yết bản án (để thực hiện quyền kháng cáo của những người vắng mặt) theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nhận định của HĐXX, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo.
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định là chủ mưu, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban khác, móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công các công ty “quân xanh” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.
Trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh.
Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng Ban quản lý dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh
Cuối tháng 10.2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009 với tổng vốn 135,645 tỉ đồng. Đến năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện này là hơn 238 tỉ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.
Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thông đồng với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế (thuộc Sở Y tế), Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức việc móc nối đấu thầu để trúng cả 6 gói thầu trên.
Cơ quan tố tụng xác định giá trị trang thiết bị của 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50,6 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Anh Dũng (Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng, là anh trai của Nguyễn Thị Thanh Nhàn) khai rằng ông được em gái là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn “dựng” lên làm Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng; mọi giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ án đều được ban thư ký của Công ty AIC đưa lên rồi ký.
Ngoài những vụ án kể trên, giữa tháng 4.2023, Bộ Công an khởi tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì có liên quan đến vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Trước đó, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã bị can, đồng thời đề nghị bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo đúng quy định của pháp luật.