Xác định được khu vực biển có thể khai thác cát phục vụ thi công cao tốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:55, 25/12/2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã lựa chọn được khu vực có diện tích 32 km2 tại khu B1, vùng biển Sóc Trăng, có thể khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Kinh tế - đầu tư - dự án

Xác định được khu vực biển có thể khai thác cát phục vụ thi công cao tốc

Lương Xuân Cao - Văn Kim Khanh 25/12/2023 21:55

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã lựa chọn được khu vực có diện tích 32 km2 tại khu B1, vùng biển Sóc Trăng, có thể khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chiều 25.12, tại UBND tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị chuyển giao kết quả dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL”. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng lãnh đạo các sở, ngành địa phương.

cat-st-2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo Bộ TN-MT, tại vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng (ký hiệu B1 - B6) phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng, dự báo tài nguyên cấp 334+334a khoảng 13,9 tỉ m3, nhưng chưa được đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng. Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT phê duyệt dự án tại Quyết định số 3694/QĐ-BTNMT ngày 26.12.2022 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 555/QĐ-BTNMT ngày 14.3.2023.

Dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL” do Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện với tổng kinh phí 116,5 tỉ đồng. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2023 - 2024; trong đó năm 2023 đã hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực khu B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2-B4.

Theo báo cáo, dự án được thực hiện tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng, gồm khu B1 (250km2) và khu B2-B4 (diện tích 1.250km2) nhằm đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển với trữ lượng khoảng 400 triệu m3, đáp ứng nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc trong vùng ĐBSCL khởi công trong giai đoạn 2023 - 2024.

Kết quả đánh giá cho thấy, tại khu B1, đơn vị thực hiện dự án đã khoanh định được 1 thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2, phân bố nằm ngay trên bề mặt đáy biển. Cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột; tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao.

Về khu vực đề xuất chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác, Bộ TN-MT đã lựa chọn được khu vực diện tích 32km2, có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với chiều dày trung bình 4,5m, hàm lượng tổng cát 86%, tài nguyên cấp 222 là 145 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu phổ biến 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biên gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi.

Độ sâu khai thác tại vị trí này là từ 3-4m; phương pháp khai thác có thể sử dụng tàu hút xáng thổi cỡ trung bình - nhỏ, vận chuyển bằng xà lan theo luồng hàng hải Định An đến nơi tiêu thụ; công suất khai thác đề nghị mức 3.000 - 5.000 m3/ngày, thời gian khai thác liên tục trong 10 ngày và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.

Bộ TN-MT kiến nghị triển khai khai thác tại khu vực đề xuất; đơn vị khai thác áp dụng giải pháp công nghệ khai thác hợp lý; thực hiện quan trắc giám sát môi trường; tiếp tục cập nhật mô hình dự báo tác động theo công nghệ khai thác thực tế.

cat-st-1.jpg

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho biết mục tiêu dự án là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng ĐBSCL.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, diện tích B1 đủ điều kiện chuyển giao cho đơn vị khai thác theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn vị khai thác phải sử dụng công nghệ khai thác hợp lý, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Quá trình khai thác cần thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường khu vực biển Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, đăng ký công suất khai thác và chỉ khai thác đến độ sâu 3 mét, nếu xảy ra tác động môi trường phải ngừng việc khai thác. Lưu ý, cát khai thác chỉ được sử dụng phục vụ công trình đã đăng ký và chỉ khai thác đủ trữ lượng sử dụng…

cat-st-5.jpg

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương rất vui mừng khi được bàn giao kết quả dự án. Đối với việc khai thác cát biển, Sóc Trăng chưa có tiền lệ nên đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn cho tỉnh về các quy trình, hồ sơ, thủ tục đảm bảo việc khai thác cát trong thời gian sớm nhất. Sóc Trăng sẵn sàng chia sẻ tài nguyên cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc khai thác khi hồ sơ, thủ tục, cơ sở pháp lý cho việc khai thác được đảm bảo.

Lương Xuân Cao - Văn Kim Khanh