Phương Tây có 'tiêu chuẩn kép' về vấn đề Ukraine và Gaza?
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:54, 21/12/2023
Phương Tây có 'tiêu chuẩn kép' về vấn đề Ukraine và Gaza?
Giữa những cáo buộc gay gắt về “tiêu chuẩn kép”, Mỹ và các đồng minh đã phải nỗ lực thuyết phục thế giới rằng họ đang bảo vệ "nền tảng đạo đức" trong cả hai cuộc xung đột.
Mang theo thú cưng và kéo vali qua những cây cầu bị nổ tung, hàng triệu người Ukraine đã phải chạy trốn khỏi cuộc chiến mà Nga phát động năm ngoái, tương tự như cuộc di cư gần đây của người Palestine khỏi phía bắc Gaza, sau đòn đáp trả của lực lượng quân sự Israel.
Sự liên kết giữa cuộc chiến ở Ukraine và xung đột Israel - Hamas đã trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc tranh luận toàn cầu và cả ở giới chính trị Mỹ. Những phản ứng trái ngược nhau về hai cuộc chiến trên thế giới hiện thổi bùng tranh cãi về cái gọi là “tiêu chuẩn kép”.
Chắc chắn rằng hai cuộc chiến có những khác biệt lớn về nguồn gốc và động lực của chúng. Trong khi Nga nêu lý do phát động cuộc chiến tại Ukraine là để phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" chính quyền Kyiv; Israel đưa quân vào Gaza vì phong trào Hồi giáo Hamas tàn sát hàng loạt thường dân và bắt cóc con tin nước này trong cuộc tấn công đẫm máu ngày 7.10.
Nhưng hai cuộc xung đột cũng có những điểm tương đồng cơ bản. Đó là là mức độ đau khổ của người dân, với hàng chục nghìn người chết và bị thương ở mỗi khu vực. Một vấn đề khác là tình trạng khó khăn chung của hàng triệu người Ukraine và Palestine đang sống trong cảnh chiến tranh đầy thiếu thốn.
Ukraine và Gaza: Những cuộc chiến chia cắt thế giới
“Ý tưởng về con người vẫn chưa trở thành nền tảng cho các chính sách nhà nước và trên hết là suy nghĩ của chúng ta. Khi mọi người thảo luận về cuộc chiến ở Trung Đông, câu hỏi đầu tiên luôn là: Bạn ủng hộ bên nào? Nhưng điều chúng ta phải hướng tới là người dân… Mỗi cuộc sống đều có giá trị, đó là cuộc sống ở Israel, cuộc sống ở Palestine và cuộc sống ở Ukraine”, Oleksandra Matviichuk, một luật sư nhân quyền người Ukraine, người được trao giải Nobel Hòa bình năm ngoái, than thở.
Số người Palestine chết ở Gaza ngày càng tăng, điều này đã đặt ra thách thức chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh - những nước ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine.
Alicia Kearns, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Anh cho biết: “Chúng ta hãy thừa nhận rằng chúng ta không hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra, nhưng miền Nam bán cầu hiện không thể tuyên bố ủng hộ Palestine khi mà họ im lặng về Ukraine. Đó là một tiêu chuẩn kép”.
“Uy tín của chúng tôi đang bị ảnh hưởng ở phía Nam bán cầu. Nhiều người tin rằng, Mỹ chỉ biết lên án hành động của Nga ở Ukraine song lại kiềm chế động thái tượng tự của Israel đối với xung đột tại Dải Gaza. Không chỉ những người đứng đầu các quốc gia mà cả người dân bình thường cũng đều tin vào ý kiến này. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm trên”, nghị sĩ Chris Coons, thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.
Một bộ phận ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ ngày càng phẫn nộ trước cuộc đổ máu ở Gaza và đã gây áp lực tại quốc hội Mỹ nhằm thay đổi các điều kiện hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel. Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chiến dịch quân sự của Israel và đang cung cấp vũ khí cho nước này, Washington cũng đã thúc đẩy thành công viện trợ nhân đạo tới Gaza. Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong đàm phán một lệnh ngừng bắn tạm thời, cho phép trao đổi hàng chục con tin bị Hamas bắt để đổi lấy các tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ.
Khác với Mỹ, một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Bỉ lại chỉ trích việc Israel ném bom Gaza.
“Việc giết hại thường dân cần phải dừng lại ngay bây giờ… Việc tàn phá Gaza là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo phát biểu trong chuyến thăm gần đây với người đồng cấp Tây Ban Nha.
Tiêu chuẩn kép?
Cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7.10 của Hamas đã khiến khoảng 1.200 người Israel (chủ yếu là dân thường) đã thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị bắt cóc đến Gaza. Đây là sự mất mát lớn nhất về nhân mạng của người Do Thái và gây ra làn sóng chấn động khắp các xã hội phương Tây. Sau vụ tấn công đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã đề nghị hỗ trợ ngay lập tức và vô điều kiện cho chiến dịch quân sự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chống lại Hamas.
Khi các vụ ném bom trả đũa của Israel gây ra cái chết của hàng nghìn thường dân Palestine, các chính phủ phương Tây đã lên tiếng kêu gọi Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, không có lời nhắc nhở nào đi kèm với cảnh báo công khai về hậu quả nếu Israel phớt lờ chúng.
Chính các nhà lãnh đạo phương Tây từng phản đối việc Nga nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện và mạng lưới nước của Ukraine thì nay lại được cho là tán thành các hành động của Israel khiến hai triệu cư dân Dải Gaza bị mất điện, nước uống và nhiên liệu.
Nhà Trắng đã thông qua một gói liên kết tài trợ cho Ukraine và cho Israel trong dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng và hiện đang chờ quốc hội xem xét. Các quan chức chính quyền Biden giải thích mối liên kết này có mục đích chính trị nhằm thuyết phục Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đồng ý chuyển viện trợ quân sự cho Ukraine.
Hầu hết thành viên đảng Cộng hòa đều nhất trí ủng hộ Israel. Tuy nhiên, sự ủng hộ trong nội bộ đảng này dành cho Ukraine đã giảm sút trong vài tháng gần đây và trở thành một vấn đề chính trị nhức nhối trước cuộc bầu cử vào năm tới. Những người ủng hộ Ukraine hàng đầu của đảng Cộng hòa cho rằng việc kết nối viện trợ cho Israel và viện trợ cho Ukraine, như Nhà Trắng đã làm là hợp lý.
“Chúng tôi không áp dụng tiêu chuẩn kép”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Risch, thành viên cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết, đồng thời đổ lỗi cho những lời chỉ trích toàn cầu đối với Israel là do "thành kiến bài người Do Thái".
Israel đã duy trì sự chiếm đóng quân sự trên các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ năm 1967. Thủ tướng Netanyahu đã theo đuổi việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây và liên tục làm suy yếu các thoả thuận về một giải pháp hai nhà nước với người Palestine.
Mặc dù Israel đã rút quân và người định cư khỏi Dải Gaza vào năm 2005, nhưng nước này vẫn giữ quyền kiểm soát tổng thể đối với biên giới, vùng biển và không phận của vùng đất này, khiến Đại hội đồng Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cùng nhiều tổ chức khác tiếp tục xem xét dải đất này là vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng ngay cả khi nó được quản lý bởi lực lượng Hamas.
Ủng hộ Israel là con dao hai lưỡi với Ukraine
Ít người lên tiếng ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Israel nhiều hơn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người tuyên bố rằng Israel và Ukraine đang chiến đấu với “cùng một kẻ thù chung”.
Timothy Kaldas, Phó giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir, nhận định việc ông Zelensky nỗ lực liên kết cuộc chiến ở Ukraine với những hành động của Israel một cách không kiềm chế đã gây tổn hại cho sự ủng hộ Kyiv ở phần lớn phía Nam bán cầu.
Các nhà ngoại giao Ả Rập và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đã sử dụng các con số thương vong của người Palestine từ Liên Hợp Quốc, để lập luận rằng thảm kịch ở Gaza đã làm lu mờ bất cứ điều gì Nga đã làm với Ukraine, và đòi hỏi thế giới cần phản ứng nhiều hơn.
Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ở Nam Mỹ đã rút đại sứ, đình chỉ hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel. Tuy nhiên, không một nước nào làm điều này với Nga.
Tại Gaza, Liên Hợp Quốc đã báo cáo khoảng 14.800 người chết bao gồm cả chiến binh Hamas và dân thường sau các cuộc tấn công của Israel. Tại Ukraine, Liên Hợp Quốc chỉ báo cáo 10.000 thường dân thiệt mạng đã xác minh, nhưng lưu ý rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì họ không thể tiếp cận các thành phố do Nga kiểm soát như Mariupol và các khu vực tiền tuyến. Các quan chức Ukraine ước tính thiệt hại thực tế về người còn cao hơn rất nhiều. Khoảng 9,5 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng.
Xung đột ở Ukraine không bắt đầu vào tháng 2.2022. Nó bắt đầu bằng việc Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea và một phần khu vực phía đông Donbas vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Sau khi sáp nhập, Nga tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo và đe doạ củng cố hiện trạng mới trên thực địa.
Tương tự, cuộc xung đột ở Trung Đông lại bắt đầu bằng cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào ngày 7.10. Lịch sử chiến tranh giữa Israel và Palestine bắt nguồn từ phong trào định cư theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vào thế kỷ 19. Hơn 700.000 người Palestine đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi vùng đất ngày nay là Israel khi nhà nước Do Thái được thành lập vào năm 1948, với phần lớn dân số ở Dải Gaza là con cháu của những người tị nạn này.
Nhiều cơ hội đạt được hòa bình trong những thập kỷ gần đây đã bị cản trở bởi Hamas, khi nhóm này tổ chức các chiến dịch đánh bom liều chết cùng nhiều vụ ám sát. Hàng nghìn thường dân Palestine và Israel đã thiệt mạng trong các vụ nổ súng thường xuyên trong những thập kỷ qua. Cả Hamas và chính phủ Israel hiện tại đều không ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
“Không có lời biện minh cho những hành động của Nga tại Ukraine. Nhưng ở Israel và Palestine, thực tế là có hai dân tộc trên một diện tích đất rất nhỏ, và giới tinh hoa chính trị cũng như quân sự ở cả hai bên đều không sẵn lòng chấp nhận những gì được đưa ra”, Alex Sobel, đồng chủ tịch đảng Lao động Anh, cho biết.