Dự báo quan hệ Mỹ - Trung năm 2024

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:10, 21/12/2023

Hãng tin Reuters dự báo sau khi trải qua năm 2023 đầy căng thẳng, quan hệ Mỹ - Trung bước sang năm 2024 có thể gặp nhiều thách thức hơn nữa.
Góc nhìn

Dự báo quan hệ Mỹ - Trung năm 2024

Cẩm Bình 21/12/2023 10:10

Hãng tin Reuters dự báo sau khi trải qua năm 2023 đầy căng thẳng, quan hệ Mỹ - Trung bước sang năm 2024 có thể gặp nhiều thách thức hơn nữa.

Vụ khinh khí cầu trinh sát, cuộc chiến chip cùng cạnh tranh quân sự ngày càng gay gắt khiến căng thẳng leo thang, nhưng hai nước đang cố gắng hòa hoãn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp vào tháng 11 đều bày tỏ mong muốn ngăn chặn "cú rơi tự do" trong quan hệ song phương. Tuy vậy năm mới có thể mang đến những biến động mới.

du.jpg

Quan hệ hai bờ

Cuộc bầu cử lãnh đạo cùng cơ quan lập pháp Đài Loan sẽ diễn ra vào ngày 13.1. Chính trị gia đảng Dân tiến (DPP) Lại Thanh Đức cùng đối tác Tiêu Mỹ Cầm - nhà ngoại giao từng công tác tại Mỹ - nhiều khả năng đắc cử.

Phản ứng của Trung Quốc với kết quả bầu cử có thể quyết định liệu quan hệ giữa họ với Mỹ sẽ trở nên tốt hơn hay xấu đi. Thời gian qua Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự lẫn chính trị, kêu gọi cử tri đảo tự trị đưa ra “lựa chọn đúng đắn”. Giới phân tích tin rằng Chủ tịch Tập muốn tránh xung đột nên sẽ tiết chế phản ứng quân sự của Trung Quốc nếu ông Lại Thanh Đức giành chiến thắng.

Khả năng ông Trump tái nắm quyền

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới nhiều khả năng là màn tái đấu giữa cựu Tổng thống Donald Trump với đương kim Tổng thống Joe Biden. Hai ông trong quá trình tranh cử chắc chắn đưa ra những lời lẽ gay gắt về Trung Quốc, nhưng điều mà phía quốc gia châu Á quan tâm nhất chính là liệu ông Trump có quay lại nắm quyền hay không.

Theo nhà nghiên cứu Tôn Vận (Trung tâm Stimson): “Ông Trump quay lại nắm quyền là ác mộng tồi tệ nhất với Trung Quốc”. Ông Trump trong thời gian giữ chức đã phát động chiến tranh thương mại, đưa ra hàng loạt cáo buộc về nguồn gốc vi rút gây COVID-19 đồng thời làm bùng lên căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên chiến thắng cho ông Trump cũng có thể đem lại lợi ích địa chính trị cho Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ hưởng lợi từ một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập, rút khỏi các liên minh.

Bà Tôn cho biết dù không hài lòng với ông Biden - người duy trì chính sách thuế dưới thời ông Trump, ban hành thêm hạn chế xuất khẩu và củng cố các liên minh, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận làm việc với một lãnh đạo tuân thủ quy tắc trong quan hệ song phương vẫn tốt hơn.

“Dưới thời ông Trump chẳng thể có cuộc đối thoại ý nghĩa nào về bất cứ điều gì. Thay vào đó chỉ có leo thang căng thẳng không ngăn cản được”, theo bà Tôn.

Cuộc chiến chip

Theo Reuters, năm tới nhiều khả năng Mỹ sẽ siết chặt loạt hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến. Lần siết chặt hạn chế gần nhất là vào tháng 10 vừa qua. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng tuyên bố mỗi năm sẽ có ít nhất một lần cập nhật.

Hiệu quả của những hạn chế này vẫn vấp phải tranh cãi. Phía Trung Quốc đã triển khai đáp trả bằng cách tăng kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium - hai vật liệu dùng cho sản xuất chip. Nhưng chính quyền Tổng thống Biden không chùn bước, năm nay họ lập nên nhóm phụ trách đối phó nỗ lực đánh cắp công nghệ nhạy cảm.

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Thực thi Xuất khẩu Matthew S.Axelrod cho biết hoạt động điều tra về vi phạm liên quan đến xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc đang được tiến hành. Kết quả điều tra có thể dẫn đến một số biện pháp “thực thi quy định xuất khẩu” vào năm 2024.

Cẩm Bình