Điểm nghẽn nào khiến TP.HCM ít cây xanh?

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 20:57, 18/12/2023

Có thể nói TP.HCM hiện nay có tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ tăng dân số ở mức cao. Trong khi đó, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn trong những năm vừa qua còn khá hạn chế.
Hạ tầng và bất động sản

Điểm nghẽn nào khiến TP.HCM ít cây xanh?

Hồ Đông18/12/2023 20:57

Có thể nói TP.HCM hiện nay có tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ tăng dân số ở mức cao. Trong khi đó, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn trong những năm vừa qua còn khá hạn chế.

cay-xanh.jpg
TP.HCM cần nỗ lực để hoàn thành mục tiêu về cây xanh - Ảnh: Internet

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino nên dù đã gần tới Noel, nhưng những ngày này, thời tiết TP.HCM vẫn nóng oi ả, đặc biệt vào buổi trưa. Vào lúc này, người dân TP.HCM lại thấy càng cần cây xanh hơn bao giờ hết để chống lại cái nắng nóng khó chịu.

Có thể nói TP.HCM hiện nay có tốc độ đô thị hóa và tỉ lệ tăng dân số ở mức cao. Trong khi đó, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn trong những năm vừa qua còn khá hạn chế.

Trong chương trình Dân hỏi chính quyền trả lời tháng 12.2023 với chủ đề Quản lý và Phát triển công viên, cây xanh công cộng, ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết theo quy hoạch hiện nay trên địa bàn, thành phố có khoảng 11.369 ha đất công viên cây xanh, tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ đáp ứng tỉ lệ 0,55 m2/ người, tức là chưa bằng 1/10 so với quy hoạch.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TP.HCM là thấp nhấp trong các đô thị của cả nước, xếp sau Hà Nội (2,06 m2/người), Đà Nẵng (2,4 m2/người), Hải Phòng (3,41 m2/người). Như vậy, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội đang gấp 3,7 lần TP.HCM, Đà Nẵng gấp 4,3 lần và Hải Phòng gấp 6,2 lần TP.HCM.

Theo các nhà khoa học, mỗi người dân đô thị cần diện tích 7 m2 cây xanh/người để đảm bảo không khí trong lành. Các nhà quản lý của TP.HCM cũng ý thức được điều này nên đưa ra quy hoạch diện tích dành cho công viên khoảng 11.369 ha, tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người.

Theo Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2030, từ năm 2020 đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 150 ha đất công viên, cây xanh công cộng; giai đoạn năm 2026 đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 450 ha đất công viên, cây xanh công cộng. Mục tiêu này nhằm hoàn thành chỉ tiêu đến 2025 đạt diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người, hướng tới năm 2030, không dưới 1 m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11.

Trong thời gian qua, thành phố cho biết đã thực hiện trồng khoảng 26.000 cây xanh, đạt 87% kế hoạch (về số lượng cây) trong giai đoạn từ năm 2020-2025.

Thành phố cũng làm việc với chủ đầu tư dự án xây dựng các khu dân cư, đến cuối năm 2025 dự kiến có khoảng 10 ha công viên đưa vào sử dụng. Như vậy đến cuối năm 2025, tổng diện tích công viên sẽ tăng thêm 108,84 ha, đạt 72% so với chỉ tiêu đề ra là 150 ha.

Giai đoạn 2024 - 2025, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP.HCM đầu tư dự án 9 công viên. Nếu được bổ sung vốn, thành phố sẽ tăng thêm 36,1 ha đất công viên. Ngoài ra, dự án Cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát hoàn tất xây dựng sẽ tăng thêm 36 ha đất công viên.

Một trong những khó khăn mà TP.HCM gặp phải là nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư các dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Từ năm 2021, TP.HCM đã dự kiến danh mục ưu tiên đầu tư đối với 75 dự án công viên công cộng nhưng đến 2023, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa cân đối, bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Để giải quyết bài toán về nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các khu đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác.

Hồ Đông