'Ông lớn' hàng không sắp hết lỗ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:00, 16/12/2023
'Ông lớn' hàng không sắp hết lỗ
Năm nay, Vietnam Airlines có thể tiếp tục lỗ hợp nhất hơn 5.000 tỉ đồng, dự kiến hòa vốn vào năm 2024 và có lãi từ năm 2025.
Cân đối thu chi từ năm 2024
Sáng 16.12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết năm 2022, các hãng hàng không thế giới vẫn lỗ hơn 6,9 tỉ USD, dù mức lỗ đã giảm nhưng khó khăn vẫn còn. Khó khăn với hàng không vẫn tiếp diễn trong năm nay do ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột trên thế giới, tỷ giá, giá nhiên liệu tăng cao, trong khi nhu cầu đi lại giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt 71.775 tỉ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Vietnam Airlines thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu, khách nội địa đạt 15,77 triệu lượt.
Năm qua, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất sau thuế trên 11.200 tỉ đồng (số lỗ này giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với năm trước đó). Công ty mẹ lỗ sau thuế hơn 8.800 tỉ đồng, giảm lỗ hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lỗ lũy kế của hãng này tới hết năm qua đã trên 35.000 tỉ đồng; khoản phải trả quá hạn trên 15.300 tỉ đồng.
Trong năm qua, một số loại chi phí của Vietnam Airlines tăng cao, như chi phí tài chính tăng gấp 2,7 lần so với năm trước đó, lên mức hơn 4.400 tỉ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần lên hơn 3.100 tỉ đồng...
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, giảm lỗ, Vietnam Airlines tiếp tục cắt giảm nhiều chi phí, tổng cắt giảm hơn 7.200 tỉ đồng, như đàm phán giảm giá với nhà cung ứng, tiết kiệm chi…
Bước sang năm 2023, theo ông Hòa, sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.
Trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý 2. Hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch, các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong nửa sau năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá USD diễn biến bất lợi và khó lường.
Năm nay, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng từng bước vượt qua khó khăn, đảm bảo thanh khoản và hoạt động liên tục. Hãng cũng triển khai tiếp giải pháp tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, mở thị trường mới; bán tài sản và thoái vốn; bán và thuê lại một số máy bay... Hãng dự kiến lỗ hợp nhất trước thuế năm nay hơn 5.500 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu cân đối thu chi vào năm 2024 (hòa vốn), bắt đầu có lãi từ năm 2025. "Chúng tôi đánh giá có cả cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024", ông Hòa nói.
Bán 6 máy bay ATR72, 6 máy bay A321 CEO trong năm 2024
Về chủ trương bán 6 tàu bay ATR72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay: Căn cứ phương án bán được HĐQT phê duyệt, Vietnam Airlines đã từng triển khai bán 6 tàu bay ATR72-500 lần 1 trong 2021 nhưng không thành công. Nguyên nhân là thị trường tàu bay chưa thuận lợi trong giai đoạn dịch COVID-19 và nhu cầu khai thác thay đổi trên cơ sở kế hoạch nâng cấp các sân bay Côn Đảo, Điện Biên. Vietnam Airlines sẽ triển khai thủ tục bán lần 2 đối với các tàu bay này trong năm 2023 và 2024.
Về chủ trương bán 9 tàu A321 CEO, trong năm 2023, Vietnam Airlines đã triển khai bán và thực hiện đấu giá thành công 3 chiếc A321CEO (VN-A350/351/352). Hãng đang đàm phán hợp đồng mua bán với đối tác trúng đấu giá (dự kiến hoàn thành bàn giao các tàu bay này trong quý 4/2023 và quý 1/2024).
Đối với 2 chiếc dự kiến chuyển đổi từ chở khách sang chở hàng để bán và thuê lại (VN-A353/354), Vietnam Airlines đã dừng thực hiện chuyển đổi trong bối cảnh thị trường hàng hóa có nhiều thay đổi sau COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines còn lại 6 tàu bay A321CEO sản xuất 2007 - 2008 và sẽ tiếp tục xem xét phương án bán/bán, cho thuê lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo trên cơ sở đánh giá nhu cầu khai thác, tình hình thị trường và cân đối dòng tiền thực tế.
Về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết tại HOSE do có 3 năm lỗ liên tục và đã bị âm vốn chủ sở hữu, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết cổ phiếu HVN là một trường hợp khá đặc biệt, việc lỗ, âm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguyên nhân bất khả kháng này hoàn toàn do yếu tố khách quan. Đây cũng là điều mà hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đang phải chật vật khắc phục.
"Chúng tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán sẽ có những đánh giá, xem xét một cách phù hợp cho trường hợp cụ thể này", ông Hiền nhấn mạnh và cho biết với tín hiệu thị trường, các bước tái cơ cấu đang thực hiện, trong thời gian ngắn tới hãng sẽ có lãi, tiến tới hết âm vốn chủ sở hữu để đảm bảo quy định về niêm yết cổ phiếu theo quy định pháp luật.