Hà Nội: Hơn 2.000 doanh nghiệp được cấp mã quản trị tài khoản QR Code

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:53, 11/02/2019

Thực hiện việc ứng dụng mã hình QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản.
Ảnh minh họa từ Thanglomng.chinhphu.vn

Theo tin từ Sở Công Thương Hà Nội (Thanglong.chinhphu.vn), thực hiện việc ứng dụng mã hình QR (dạng mã vạch 2 chiều, dùng để mã hóa sản phẩm) trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, đến nay, hệ thống đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 1.984 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản.

Bên cạnh đó, có 766 cơ sở kinh doanh trái cây cũng đã được thiết lập tài khoản quản trị tại hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Các sở, ngành đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 3.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố hiện đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Đây là một giải pháp hữu hiệu trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản Hà Nội với các chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, thương mại điện tử kết nối cung cầu.

Cuối tháng 1.2019, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 477/KH SCT về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố năm 2019.

Sở sẽ quản trị tài khoản theo phân cấp quản lý trên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ: www.hn.check.net.vn góp phần minh bạch thông tin đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín, chia sẻ, kết nối giao thương; phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện quy chế hoạt động chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn...

Trước đó, từ tháng 1.2017, người tiêu dùng TP.HCM đã xem được nguồn gốc, quá trình chăm sóc loại rau mà mình muốn dùng thông qua phần mềm quét mã QR code trên điện thoại, từ đó sẽ biết được các thông tin về nguồn gốc thực phẩm và chất lượng an toàn thực phẩm trên các mặt hàng rau sạch.

Đây ở chương trình thí điểm Truy xuất nguồn gốc các sản phẩm rau do Sở NN-PT-NT TP.HCM triển khai thực hiện, trên cơ sở biên bản ký kết thỏa thuận giữa UBND TP.HCM với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA). Đơn vị cung cấp rau sạch tham gia sẽ sử dụng một loại tem điện tử để dán lên những sản phẩm sạch, đã được kiểm tra và giám sát kỹ càng để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc rau bằng ứng dụng Zalo hoặc các phần mềm quét mã QR code trên điện thoại di động thông minh.

QR là từ viết tắt của Quick Response (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”). Đây là một ma trận mã vạch có thể được đọc bởi máy đọc mã vạch hay smartphone (điện thoại thông minh) có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. QR code gồm những module màu đen được xắp xếp ngẫu nhiên trong một ô vuông có nền trắng. Sự tổ hợp những module này mã hóa cho bất kì dữ liệu trực tuyến bao gồm: link dẫn đến trang web, hình ảnh, thông tin, chi tiết về sản phẩm, quảng cáo cho sản phẩm…

Điểm khác nhau giữa mã QR và mã vạch truyền thống là lượng dữ liệu chúng nắm giữ hay chia sẻ. Các mã vạch truyền thống có các đường vạch thẳng dài một chiều và chỉ có thể lưu giữ 20 số chữ số, trong khi các mã QR hai chiều có thể lưu giữ thông tin hàng ngàn ký tự chữ số. Mã QR nắm giữ nhiều thông tin hơn và tính chất dễ sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho người dùng trong mọi lĩnh vực.

QR Code được phát triển để có thể đọc nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và không gian so với các loại mã vạch truyền thống. Với những dòng điện thoại smartphone, có thể tìm trên kho ứng dụng iTunes hay Android Market từ khóa "QR scanner" để tải ứng dụng quét QR Code. Có thể tham khảo tải các ứng dụng sau:

- NeoReader, ScanLife, Barcode, i-nigma, TapMedia QR Reader for iPhone cho iPhone.

- ShopSavvy, Barcode scanner, ScanLife, Qr Droid cho Android.

Những ứng dụng hữu ích của QR Code trên thực tế cuộc sống

  • Kiểm kê hàng hóa, thông tin sản phẩm
  • Thông tin cá nhân: trên card visit.
  • Lưu trữ URL: điện thoại chỉ việc đọc QR Code để lấy URL, sau đó tự động mở trình duyệt.
  • Sử dụng tại các bến xe bus, xe lửa, tàu điện ngầm: người sử dụng khi quét QR Code của bến xe sẽ biết thông tin về các chuyến xe.
  • Sử dụng tại bảo tàng: người sử dụng chỉ cần quét QR Code đặt cạnh vật trưng bày là biết được thông tin chi tiết và cập nhật về đồ vật đó.
  • Sử dụng để mua hàng ở bất kỳ đâu: người sử dụng khi đi tàu điện ngầm, xe bus … nếu thấy thích mặt hàng đang quảng cáo trên đó có thể đặt mua ngay lập tức thông qua QR Code và Mobile Internet.
  • Sử dụng tại siêu thị: để biết được thông tin, hướng dẫn nấu ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng của những thức ăn cần mua.
  • Sử dụng tại các buổi hội thảo, thuyết trình, tổ chức sự kiện: người tham gia có thể sử dụng QR Code thay cho Business Card của mình.
  • Sử dụng với các tờ báo, tạp chí giấy: người đọc có thể quét QR Code được in trong tờ báo, tạp chí giấy để truy cập phiên bản online/mobile của tờ báo, tạp chí này.
  • Sử dụng tại các chương trình nhạc hội, live show, bar, club: để xác định xem tiết mục, ca sỹ, ban nhạc, bài nhạc đang chơi, tác giả bài nhạc.
  • Sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, quán cà phê: để biết được công thức và cách chế biến món ăn, thức uống, thông tin khách sạn.
  • Sử dụng với đồ vật cá nhân (xe, áo thun…): cung cấp thông tin chi tiết về món hàng, xuất xứ, giá cả.
  • Sử dụng trong truyền thông quảng cáo: dần thay thế các quảng cáo dưới hình thức in ấn và phát tờ bướm. QR Code sẽ đính kèm thông tin thương hiệu trên các ấn phẩm, bảng hiệu cửa hàng, các bảng quảng cáo, billboard.
  • Sử dụng mã QR để tạo sự khác biệt trong chữ ký email thường dùng; trên những món quà, để tạo đặc biệt và bất ngờ cho người nhận, và làm cho người nhận thấy tò mò về nội dung của QR Code đính kèm.

A.Thư