Thuế tối thiểu toàn cầu: Thiết kế chính sách ưu đãi FDI trong bối cảnh mới
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:59, 06/12/2023
Thuế tối thiểu toàn cầu: Thiết kế chính sách ưu đãi FDI trong bối cảnh mới
Theo các chuyên gia, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài. Do đó, cần thiết kế chính sách ưu đãi FDI trong bối cảnh mới
Ngày 29.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thuế thu nhập DN (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024, áp dụng từ năm 2024.
Theo đó, thuế suất 15% sẽ áp dụng với các DN đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỉ đồng.
Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế thu nhập DN bổ sung. Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỉ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).
Theo các chuyên gia, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các DN FDI trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các DN ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng việc Quốc hội thông qua Luật Thuế TNDN bổ sung để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, hơn 100 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam sẽ chịu sự tác động của luật thuế này. Trong tương lai nhiều DN FDI sẽ chịu ảnh hưởng như vậy.
"Thay đổi thể chế này sẽ làm thay đổi thế nào về khẩu vị đầu tư, chiến lược đầu tư của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?", ông Việt nói và nhấn mạnh, Việt Nam phải nghiên cứu vấn đề này để thiết kế các chính sách ưu đãi FDI trong bối cảnh mới. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn FDI có sự giảm sút trong thời gian gần đây.
"Khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực", ông Việt nêu.
Đề xuất chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mới, các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc rà soát toàn bộ hệ thống pháp lý thu hút/ưu đãi đầu tư; xử lý tốt bài toán hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, sửa Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư... đặc biệt là các quy định về chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần tạo ra sự kết nối giữa các vùng, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các chuỗi liên kết...
Trước đó, tại các cuộc xúc tiến đầu tư, các DN FDI đề xuất Việt Nam sớm có chính sách hỗ trợ để giảm tác động. Trong đó, kiến nghị Việt Nam sẽ cần phải “bù lại” bằng cách thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi khác bên cạnh việc nâng cao môi trường kinh doanh (lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính ...).
Trước nhiều băn khoăn về bảo đảm môi trường đầu tư khi chưa có giải pháp ưu đãi phù hợp khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết ngày 15.11 Chính phủ báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo nghị quyết áp dụng thuế TNDN bổ sung và dự thảo nghị quyết thí điểm chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư.
Nhưng tại kỳ họp 6, Quốc hội không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Quốc hội đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các DN trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Chính phủ cũng được đề nghị rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.