Tư nhân ồ ạt lập hãng bay, giá vé có giảm?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:48, 30/12/2018

Bức tranh thị trường hàng không Việt Nam sẽ sôi động hơn khi có các hãng bay tư nhân tham gia. Khi đó, mức độ cạnh tranh cũng cao hơn và hành khách kỳ vọng giá vé máy bay sẽ giảm xuống.
Hành khách xếp hàng chờ ra máy bay

Tư nhân tham gia thị trường sôi động hơn

Thị trường hàng không Việt Nam vào cuối năm nay có 2 sự kiện lớn là việc sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (sân bay do tư nhân xây dựng) chính thức vận hành và hãng hàng không Bamboo Airways (hãng bay tư nhân) cũng chính thức bay chuyến đầu tiên.

Tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển. Số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng hành khách thông qua các sân bay trên cả nước năm 2018 đạt khoảng 106 triệu lượt hành khách, tăng 12,9% so với năm 2017. Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines , Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco. Tổng lượng khách mà 4 hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được trong năm 2018 đạt trên 50 triệu hành khách, tăng 14% so với năm 2017.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bài tham luận tại hội thảo về ngành hàng không diễn ra hồi tháng 7 năm nay nhận định, hiện tại, ngành hàng không đang tăng trưởng nóng, cầu vượt quá cung. Đây là tín hiệu cho thấy dư địa của ngành hàng không còn rất lớn. Trong bối cảnh giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phát triển ì ạch thì đây chính là cơ hội lớn dành cho các nhà đầu tư. Ông Long cho rằng, với sự sẵn sàng tham gia của Bamboo Airways, Vietstar Airlines hay một liên doanh với AirAsia sẽ giúp thị trường hàng không sôi động hơn.

Trước nhu cầu đi máy bay ngày một tăng, trong khi hạ tầng đang quá tải, vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hạ tầng hoặc thành lập hãng bay. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 5 dự án sân bay có vốn góp của tư nhân gồm sân bay Vân Đồn (mở cửa từ cuối tháng 12.2018); nhà ga hành khách sân bay Cam Ranh; sân bay Phan Thiết, Cát Bi và Chu Lai…

Việc tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực hàng không, cả ở việc mở đường bay và xây sân bay sẽ giúp cho thị trường có sự cạnh tranh, tránh tình trạng độc quyền như lâu nay.

Các hãng cạnh tranh, hành khách hưởng lợi

Thị trường hàng không nội địa sau thời gian tăng trưởng nóng thì năm 2018 đã bắt đầu chững lại. Mức tăng trưởng 12,9% so với năm 2017 mà Cục Hàng không công bố đúng như những gì diễn ra trên thị trường. Đại diện của một hãng hàng không khai thác đường bay nội địa cho biết, trên các đường bay hiện nay ít nhất có 3 hãng cùng khai thác nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khi có thêm hãng mới vào thị trường thì sẽ còn quyết liệt hơn.

Có thể thấy ở các sân bay lớn thì đều có sự tham gia của 4 hãng là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco khai thác. Nói là 4 hãng nhưng thực chất sự cạnh tranh chủ yếu là giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air, bởi thực tế Jetstar Pacific và Vasco là công ty con của Vietnam Airlines. Sự cạnh tranh phần lớn đến từ các đường bay trục chính. Ví dụ, đường bay TP.HCM - Hà Nội và ngược lại có đầy đủ 4 hãng khai thác và tần suất chuyến bay rất lớn. Chỉ tính riêng Vietnam Airlines và công ty con là Jetstar Pacific thì cứ mỗi 30 phút là có một chuyến. Đó là chưa kể Vietjet cũng bay khoảng 25 chuyến/ngày trên đường bay này. Thậm chí, các đường bay từ các tỉnh Tây Nguyên đi Hải Phòng, Đà Nẵng đều đã được các hãng mở đường bay.

Cuộc cạnh tranh giữa các hãng còn thể hiện qua kế hoạch nâng cấp đội tàu bay. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tăng đội bay lên 114 chiếc vào năm 2020. Đội tàu bay này đa dạng từ nhỏ đến lớn để linh hoạt trong việc khai thác các đường bay. Tương tự, Vietjet Air cũng có kế hoạch đầu tư đội tàu bay đầy tham vọng khi đặt mục tiêu phát triển đội tàu bay lên 100 chiếc vào năm 2020 với ba loại máy bay là A320, A321 và B737. Còn Jetstar Pacific cũng lên kế hoạch tăng đội tàu bay lên 30 chiếc vào năm 2020.

Khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, nhiều chuyên gia nhận định cơ hội cho các hãng vào sau sẽ khó khăn hơn. Vì thế, các hãng bay mới nên nhắm vào thị trường ngách, khai thác hạ tầng các sân bay ở một số tỉnh, nơi còn dư công suất. Việc này sẽ tránh được sự cạnh tranh với những hãng lớn và có thể tận dụng được những lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bay hàng không giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức trần giá vé máy bay chặng Hà Nội - TP.HCM và ngược lại hiện nay là 3,2 triệu đồng/vé một chiều (mức giá trên chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác). Tuy nhiên, do cạnh tranh các hãng hàng không phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Chính vì vậy mà các hãng giá rẻ đã đưa ra 10 dải giá vé từ thấp đến cao để hành khách lựa chọn.

Khi thị trường có thêm Bamboo Airways, mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn, khi đó hành khách kỳ vọng giá vé sẽ giảm hơn nữa vì từ giữa năm 2017 đến nay giá vé máy bay nội địa tăng cao do thuế, phí tăng. Đồng thời, tạo ra tính cạnh tranh sẽ giúp cho chất lượng dịch vụ tốt hơn, khi ấy hành khách sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Anh Xuân