Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:00, 26/11/2023
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một vùng, một địa phương, một ngành, một lĩnh vực và của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là việc khó, phức tạp.
Thủ tướng cho biết hiện nay trong số 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, có 107/111 (đạt 96,6%) quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt. Do đó, việc triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này là có rất nhiều thuận lợi để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng, cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai nghiên cứu các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ, cần phải chọn kịch bản phát triển cao nên phải rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự phát triển theo kịch bản cao.
Với lịch sử phát triển Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, phải đặt điều kiện là quốc gia phải đầu tư và thậm chí có những giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30-50% nguồn lực quốc gia, mới có được sự bứt tốc trong thời gian tới.
Từ đây đến năm 2030, có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau. Như vậy ở đây, không đặt lại vấn đề cơ chế cũ mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng cần tiếp cận có sự đột phá.
Đối với phân vùng không gian kinh tế, ông Phan Văn Mãi cho rằng, cần xác định vùng Đông Nam Bộ là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hay là công nghiệp - dịch vụ - công nghiệp.
Đồng thời, cần xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ, lúc đó cần không gian nông nghiệp tính tương quan của Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kế bên của Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, mở rộng không gian kinh tế của Đông Nam Bộ cụ thể, vai trò khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từ đây sẽ lan tỏa các vùng khác và cả nước, đó cũng là đầu mối để tiếp nhận từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới.
Về không gian đô thị, ông Mãi cho rằng, cần phân bổ, không gian đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh. “Đông Nam Bộ hoàn toàn có điều kiện để phát triển theo mô hình này", Mãi nhấn mạnh.
Về giao thông kết nối nội vùng và giao thông kết nối Đông Nam Bộ với Đồng bằng Sông Cửu Long và nối ra bên ngoài, cần đặt đường sắt kết nối vùng thành một mạng lưới và thậm chí mạng lưới này chi phối cả chuyện phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics mà thậm chí chuyển đổi mô hình quản lý hành chính của vùng, kể cả đường sắt đô thị vùng, chứ không phải đường sắt đô thị ở những đô thị lớn như TP.HCM.
Riêng cảng hàng không, đầu mối kết nối vùng với bên ngoài, cần khẳng định quan điểm Tân Sơn Nhất hiện hữu, Long Thành sẽ hình thành thời gian sắp tới, kể cả Tuy Hòa hay một số sân bay khác trong vùng vẫn có thể có điều kiện để phát triển với các công năng đa dạng của nó, không chỉ là vận tải hành khách, hàng hóa mà còn phục vụ cho các dịch vụ khác.
Giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long hay với Tây Nguyên, miền Trung, đây là một việc rất quan trọng. Khi xác định là đầu mối lớn, có tầm vóc từ đây đến năm 2030 là khu vực Đông Nam Á, sau năm 2030 là Châu Á và thế giới.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022) và là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỉ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, gấp 1,8 lần trung bình cả nước.