Một ngày với 'sư phụ' đóng ghe, xuồng ở Đồng Tháp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:30, 26/11/2023

Ông Nguyễn Văn Tốt được nhiều thanh niên Đồng Tháp gọi là “sư phụ” vì giỏi tay nghề đóng ghe, xuồng, ít ai qua được. Khi thị trường ghe, xuồng truyền thống đi xuống ông là người tiên phong làm ghe, xuồng mini để trưng bày, quảng bá du lịch. Đến nay, số lượng ghe, xuồng mini của ông Tốt đóng lên đến cả ngàn chiếc

Ông Nguyễn Văn Tốt (thường gọi Bảy Tốt, 63 tuổi, ngụ tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) xuất thân trong một gia đình “rặt” nông dân của miền Tây Nam Bộ.

Ông cho biết, khoảng 20 năm trước, ven rạch Bà Đài có hơn 200 hộ làm nghề đóng xuồng, ghe. Nhờ được truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, làng nghề này luôn có lớp thợ giỏi kế thừa, đóng xuồng, ghe bền chắc và đẹp.

2-tot-xuong2.jpg
Một người dân (ngụ xã Long Hậu, huyện Lại Vung, tỉnh Đồng Tháp) đang đóng xuồng - Ảnh: P.T

Ông tâm sự, gia đình ông có 4 đời làm nghề đóng xuồng, ghe. Thời hưng thịnh, mỗi năm xã Long Hậu xuất bán cả chục ngàn chiếc xuồng, ghe. Sản phẩm xuồng cui, ghe tam bản, ghe chài, tắc ráng mang thương hiệu Bà Đài không chỉ bán khắp vùng sông nước miền Tây Nam Bộ mà còn sang tận Campuchia.

“Tôi được sinh ra và lớn lên tại làng nghề, từ lúc 14 - 15 tuổi đã biết phụ ba mẹ đóng ghe, xuồng. Từ năm 1970 - 1972, nghề này làm từ sáng đến tối mà không kịp giao cho khách”, ông Tốt bộc bạch.

Ông Tốt kể: “Thời đó, đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 âm lịch hằng năm là mùa làm xuồng, ghe tất bật. Năm nào nước lũ lên cao thì nhu cầu sử dụng của người dân càng nhiều và mùa làm ăn của các trại ghe kéo dài đến tháng 10 âm lịch.

Chính được tôi luyện nên tôi có một sức khỏe dẻo dai và kỹ năng đóng ghe xuồng đẹp và số lượng nhiều hơn những người khác. Giờ đây tuổi cao lại được giới thanh niên thường gọi là “sư phụ” thì cũng thấy vui”.

1-tot-xuong.jpg
Một chiếc xuồng thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như: rọc be, uốn be, ghim lô, phân công, ráp bửng, đóng sạp, đẽo mũi - Ảnh: P.T

Hỏi về bí quyết đóng ghe, xuồng, ông Tốt chỉ cười và chia sẻ: “Để có một chiếc xuồng thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, như: rọc be, uốn be, ghim lô, phân công, ráp bửng, đóng sạp, đẽo mũi…

Thợ giỏi, tay nghề cao có thể đóng mỗi ngày 2 chiếc xuồng loại nhỏ, còn ghe có trọng tải lớn từ 40 - 50 tấn thì đóng 40 ngày mới xong. Cánh thợ nam lựa gỗ, cưa xẻ, bỏ mực, uốn be, cưa, rọc, bào.

Riêng cánh phụ nữ thì lo cơm nước, trét chai, lấp vò, còn trẻ nhỏ thì nhổ đinh, gom dăm bào, mạt cưa, củi vụn, mỗi thành phẩm là sự góp công của nhiều người”.

Tiên phong đóng xuồng, ghe mini để quảng bá du lịch…

Theo ông Tốt, thời gian gần đây, nước lũ miền Tây mỗi năm càng thấp, giao thông đường bộ phát triển, sản phẩm xuồng bằng nhựa composite thịnh hành thì số hộ theo nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài giảm dần theo thời gian.

Từ 200 hộ thời hưng thịnh, đến năm 2018 chỉ còn 50 hộ và hiện nay còn rất ít hộ theo nghề đóng xuồng, ghe.

4-tot-xuong.jpg
Một cải tiến sản phẩm ghe, xuồng  của ông Tốt đóng - Ảnh: P.T

Không thể đứng nhìn làng nghề truyền thống của quê hương dần mai một và "trong cái khó ló cái khôn", khoảng năm 2012, ông nghiên cứu và cho ra đời loại xuồng cui mini nhỏ gọn, nguyên mẫu như xuồng lớn để lưu giữ và quảng bá cho du khách.

Xuồng cui mini được thị trường đón nhận, nhất là các quán ăn, nhà hàng, các điểm du lịch đặt mua với giá từ gần 1 triệu đến chục triệu đồng mỗi chiếc.

“Đến nay, số lượng xuồng, ghe mini của tôi đóng lên đến cả ngàn chiếc, với nhiều mẫu mã như: ghe Bà Đài, ghe tam bản, xuồng ba lá, xuồng Cần Thơ, ghe ngo Sóc Trăng. Sản phẩm trở thành quà du lịch cho khách trong và ngoài nước đến tham quan Đồng Tháp, mở ra triển vọng mới cho nghề đóng xuồng, ghe truyền thống ở rạch Bà Đài”, ông Tốt nói.

3-tot-xuong.jpg
Ghe, xuông mini của ông Tốt đóng trở thành sản phẩm du lịch đang thịnh hành - Ảnh: P.T 

Một cán bộ UBND huyện Lai Vung cho biết, từ năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định công nhận nghề đóng xuồng ghe Bà Đài (xã Long Hậu) là một trong những làng nghề truyền thống quan trọng trong quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh, nhằm có sự hỗ trợ cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy làng nghề phát triển.

Đến tháng 4.2015, làng nghề được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là cơ hội để người dân giữ gìn và phát triển làng nghề.

Tô Văn