Thách thức cực đại của ngành thông tin hàng không vũ trụ Trung Quốc để theo kịp Mỹ
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:55, 25/11/2023
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cần có thêm vốn tư nhân và tinh thần khởi nghiệp để làm chất xúc tác thúc đẩy ngành này ở Trung Quốc.
Được liệt kê là 1 trong 8 lĩnh vực tiên tiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021 - 2025, ngành thông tin hàng không vũ trụ kết hợp dữ liệu thu được từ không gian với phân tích dữ liệu lớn dựa trên mặt đất để phục vụ hàng loạt các ứng dụng, bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, truyền thông và quân sự.
Chuỗi công nghiệp gồm các vệ tinh, dịch vụ ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và học sâu để hỗ trợ xử lý lượng dữ liệu khổng lồ được vệ tinh thu thập trong không gian.
Học sâu là một lĩnh vực của AI tập trung vào việc xây dựng và đào tạo các mô hình học máy, đặc biệt là các mạng nơ-ron sâu để thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây đòi hỏi sự giải quyết và hiểu biết của con người. Mô hình học sâu có khả năng tự học và tìm hiểu từ dữ liệu, với sự giúp đỡ ít hoặc không cần sự can thiệp của con người.
Một số ứng dụng nổi bật của học sâu gồm nhận dạng hình ảnh, nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên cùng nhiều nhiệm vụ khác trong lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các mô hình học sâu thường chứa nhiều tầng nơ-ron, do đó được gọi là "sâu", có khả năng tự học các đặc trưng và biểu diễn phức tạp từ dữ liệu.
Một trong những loại mô hình học sâu phổ biến là mạng nơ-ron hồi quy sâu (deep neural network) và mạng nơ-ron chập sâu (deep convolutional neural network), được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Tại diễn đàn ở thành phố Trùng Khánh (phía tây nam Trung Quốc) tuần này, một nhóm công ty, cơ quan nghiên cứu và hiệp hội vũ trụ tuyên bố sẽ thành lập một hiệp hội công nghiệp chung để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi công nghiệp thông tin hàng không vũ trụ.
Nhật báo Trùng Khánh, do chính quyền địa phương hậu thuẫn, cho biết một cụm quỹ đầu tư trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỷ USD) đã được thành lập để hỗ trợ các gã khổng lồ về cơ sở hạ tầng và công nghiệp quan trọng.
Hiệp hội mới cũng tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực vào việc nuôi dưỡng một nhóm các công ty tư nhân hàng đầu, đồng thời nâng giới hạn cho vay thương mại với các công ty chất lượng cao lên 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD).
Theo nghiên cứu của China Fortune Securities hồi tháng 8, hơn 400 hãng đã đăng ký trở thành công ty vũ trụ thương mại vào cuối năm 2022 và quy mô ngành thông tin hàng không vũ trụ Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 44,69 tỉ nhân dân tệ (6,3 tỉ USD) trong năm 2025, tăng từ 29,3 tỉ nhân dân tệ vào 2021.
Báo cáo của hãng China Fortune Securities cho biết ngành thông tin hàng không vũ trụ chiếm 73% thị phần thương mại vũ trụ toàn cầu, đạt khoảng 384 tỉ USD vào năm 2022.
Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng”.
Olivier Contant, Giám đốc điều hành của Học viện Du hành vũ trụ Quốc tế, phát biểu tại diễn đàn ở thành phố Trùng Khánh rằng quy mô của ngành thông tin hàng không vũ trụ dự kiến sẽ đạt 1.000 tỉ USD, theo Nhật báo Trùng Khánh.
Ông cũng kêu gọi hợp tác quốc tế nhiều hơn để giúp công nghệ đạt đến tầm cao mới, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và giúp hội nhập vào hệ sinh thái công nghiệp.
Trung Quốc đã phóng 59 vệ tinh như một phần của hệ thống định vị BeiDou. Đây là câu trả lời của Trung Quốc với GPS (hệ thống định vị toàn cầu) của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng mạng vệ tinh 5G để thách thức Starlink của Elon Musk và hệ thống Eutelsat OneWeb do Vương quốc Anh phát triển.
Pravin Pradeep, nhà phân tích ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng tại công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan (Mỹ), nói: “Việc Trung Quốc phát triển và triển khai nhanh chóng các công nghệ này đang làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ về những thay đổi tiềm tàng trong vai trò lãnh đạo công nghệ toàn cầu và tác động với các ứng dụng quân sự”.
Theo Pravin Pradeep, Trung Quốc đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực thông tin hàng không vũ trụ, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với sự không chắc chắn về các trạm mặt đất và cơ sở hạ tầng liên quan vì thiếu mạng lưới rộng khắp các trạm theo dõi mảnh vỡ có khả năng cao và giám sát toàn cầu như Mỹ vận hành.
Ông nói thêm: “Mỹ đang chiếm vị trí dẫn đầu rõ ràng trong ngành hàng không vũ trụ. Yếu tố quan trọng dẫn đến vị trí dẫn đầu này là sự phân biệt rõ giữa khu vực công và tư nhân ở Mỹ, trái ngược với sự tách biệt ít rõ ràng hơn tại Trung Quốc”.
Pravin Pradeep cho rằng chương trình không gian của Trung Quốc có xu hướng thiên về mục đích chiến lược hơn là liên doanh thương mại, khiến các công ty tư nhân có ít cơ hội hơn để thúc đẩy đổi mới và linh hoạt. Trong khi ở Mỹ, lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố kinh tế.
Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ, Trung Quốc sẽ phải thúc đẩy tinh thần kinh doanh, các nhà phân tích cho biết.
Theo tờ Nhật báo Trùng Khánh, Wang Yihan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du hành vũ trụ Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn rằng: “Ngành công nghiệp thông tin hàng không vũ trụ Trung Quốc có sự phát triển thượng nguồn đông đúc và sự tăng trưởng không cân xứng ở hạ nguồn, điều này đã trở thành thách thức lớn với việc thương mại hóa ngành này”.
Theo một bài nghiên cứu về ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc của Qian Jiwei tại Đại học Quốc gia Singapore năm 2020, việc Bắc Kinh thiếu sự hỗ trợ cho khu vực tư nhân đang ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vũ trụ với Mỹ.
Qian Jiwei cho biết các doanh nghiệp nhà nước được coi là nhà vô địch quốc gia, tạo ra xung đột lợi ích trong các chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và nỗ lực hỗ trợ các công ty hàng đầu, gồm cả ngành thông tin hàng không vũ trụ.
“Các công ty hàng không vũ trụ tư nhân Trung Quốc nhìn chung có khả năng tài chính yếu. Các kênh tài chính chỉ giới hạn ở một số loại hình đầu tư mạo hiểm mà hiếm khi có thể đảm bảo được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng”, bà nói.
Pravin Pradeep nói thêm rằng một trở ngại khác mà Trung Quốc cần phải đối mặt liên quan các lệnh trừng phạt công nghệ ngày càng leo thang từ chính quyền Biden, dẫn đến nguy cơ Mỹ hạn chế hoặc cấm bán các thiết bị mặt đất của ngành công nghiệp này (vốn phụ thuộc vào việc sử dụng chip AI) cho cường quốc châu Á.