Vụ Vạn Thịnh Phát: Loạt sai phạm của SCB và những món quà tiền tỉ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:48, 21/11/2023
SCB sai phạm tất cả các nội dung thanh tra
Trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu SCB thời kỳ 2015-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với SCB.
Theo kết luận điều tra, kết quả thanh tra đã xác định SCB sai phạm tất cả các nội dung thanh tra, như về tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu.
Đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng đối với các phương án, dự án theo kế hoạch tái cơ cấu, gồm phương án Chợ Vải, Times Square, Winsor, dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A, Royal Garden, khu 5-2, New Pearl, BMS Hưng Long..., hầu hết đều rủi ro mất vốn và SCB không chấp hành các văn bản chỉ đạo của NHNN trong việc cho vay, xử lý lãi dự thu...
Các sai phạm xảy ra đối với 20 khách hàng tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai; phải phân loại nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5), trích lập dự phòng rủi ro bổ sung, thoái lãi dự thu đối với các dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A, khu 5-2, Royal Garden, phương án Chợ Vải và nhóm 20 khách hàng địa chỉ 4 Nguyễn Thị Minh Khai tại SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch; 3 khách hàng thông thường tại SCB Gia Lai và SCB Cầu Giấy.
Về phía SCB, ngân hàng này có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết luận thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn, mất cân đối nguồn nghiêm trọng, không được tiếp tục cho vay và khả năng SCB phá sản rất cao..
SCB kiến nghị đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN xem xét chấp thuận 4 vấn đề.
Thứ nhất, chấp thuận thực trạng các khoản nợ và cho phép SCB được giữ nguyên nhóm 1 đối với các khoản vay thuộc phương án, dự án tái cơ cấu để tránh việc phát sinh nợ xấu quá lớn.
Thứ 2, chấp thuận cho SCB tiếp tục được tiếp tục cho vay xử lý lãi dự thu đối với lãi phát sinh mới của các dự án, phương án.
Thứ 3, cho phép SCB được giữ nguyên lộ trình xử lý, thu hồi các khoản bán chứng khoán trả chậm (từ các khoản repo cổ phiếu), khoản bán tài sản trả chậm.
Thứ 4, cho phép ngân hàng tiếp tục được bán nợ cho VAMC.
Đoàn thanh tra cũng đã ký 4 biên bản vi phạm hành chính đối với SCB về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ngày 12.1.2018, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với SCB, số tiền phạt là 965 triệu đồng.
Phó chánh thanh tra nhận 390.000 USD
Ngoài bị can Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, thuộc cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền lên tới 5,2 triệu USD, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Hưng - Phó chánh thanh tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả hai hiện đã bị mất chức.
Bị can Hưng bị xác định nhận 390.000 USD từ nhóm Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Văn Hưng là Phó chánh thanh tra phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN trong thời gian từ tháng 4.2016 đến tháng 10.2018.
Cơ quan điều tra kết luận bị can Hưng chỉ đạo báo cáo lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ không trung thực, không đầy đủ về thực trạng tài chính của SCB, không làm rõ nguồn tiền trả nợ đối với các khoản vay của 71 khách hàng và kiến nghị xử lý, không kiến nghị dừng giải ngân, thu hồi đối với các dự án, phương án tái cơ cấu.
Ngoài ra, ông Hưng còn chỉ đạo bị can Đỗ Thị Nhàn và cấp dưới xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra bỏ ngoài sai phạm và không kiến nghị xử lý. Nội dung dự thảo thanh tra sai lệch so với kết quả thanh tra.
Bị can Hưng khai rằng việc làm này nhằm mục đích tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu. Theo kết luận, từ tháng 4.2016 đến tháng 10.2018, bị can Hưng nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo ngân hàng SCB với tổng số tiền là 390.000 USD, tương đương hơn 8,7 tỉ đồng.
Ngoài bị can Hưng và Nhàn, bị can Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ tổng hợp) thừa nhận trong quá trình thanh tra đã nhiều lần nhận tiền từ SCB, tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng; ngoài ra còn có 1 đồng hồ, 1 túi xách, 1 chiếc khăn.
Vũ Khánh Linh (thanh tra viên) đã 4 lần nhận tiền, quà từ SCB, trong đó có 2 lần cùng các thành viên của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng trả lại cho SCB; 2 lần khác, Linh nhận 100 triệu đồng. Nguyễn Tuấn Anh (thành viên Tổ thanh tra số 2) đã 4 lần nhận tiền từ SCB, có 1 chiếc áo và 100 triệu đồng. Có 2 lần Tuấn Anh trả lại quà cho SCB...
Người duy nhất từ chối quà của SCB
Theo kết luận điều tra, người duy nhất không nhận quà từ SCB là bị can Nguyễn Văn Du (quyền Chánh thanh tra, cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng). Ông Du bị xác định ký kết luận thanh tra số 3959 (ngày 4.12.2018) khi nội dung trong kết luận thể hiện không trung thực về thực trạng của SCB.
Cụ thể, kết luận đã bỏ ra ngoài số liệu nợ xấu 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A, Royal Garden); bỏ ngoài trích lập dự phòng rủi ro là hơn 18.700 tỉ đồng và thực hiện thoái lãi dự thu hơn 3.000 tỉ đồng... Nếu tổng hợp đầy đủ thì nợ xấu của SCB tại ngày 30.6.2017 là 35,87%, nhưng tại kết luận thanh tra chỉ thể hiện nợ xấu là 20,92%.
Kết luận thanh tra không kết luận việc SCB vi phạm toàn bộ các quy định của NHNN, như lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu... Kết luận không có đánh giá các vi phạm này để kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc có biện pháp xử lý phù hợp...
Bị can Nguyễn Văn Du thừa nhận việc tổng hợp, chỉnh sửa, báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra đã cố tình che giấu, bưng bít sai phạm của SCB nên lãnh đạo NHNN và Chính phủ không biết được thực trạng, vi phạm của SCB .
Về vụ lợi, bị can Du thừa nhận có quen biết và nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo của SCB và có được họ đưa quà nhưng Du không nhận và trả lại. Điều này đã được CQĐT xác minh và bị can Du bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.