Thuế tối thiểu toàn cầu và cơ hội bứt phá của Việt Nam với 'kho báu' đất hiếm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:55, 13/11/2023

Việt Nam đang tìm cách để duy trì sự cạnh tranh, hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.

Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, mà theo các quan chức, Việt Nam đương nhiên ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

dat-hiem.jpg
Việt Nam được đánh giá có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới - Ảnh: IT

Việc áp dụng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách, tăng cường hội nhập quốc tế và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Tổng cục Thuế cho biết hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia (MNE - với khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên (thuộc đối tượng áp dụng). Qua rà soát, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của loại thuế này.

Hiện Việt Nam có 1.654 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỉ USD (tính đến tháng 6.2023). Tuy vậy nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 thì có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng. Đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát.

Có thể thấy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Tiếp theo, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

Đó là tình hình chung trong việc thu hút FDI vào tất cả các lĩnh vực của Việt Nam, còn với những ngành Việt Nam nắm "chìa khóa vàng" như khoáng sản, mà cụ thể là đất hiếm thì cơ hội trong việc thu hút đầu tư từ các nước lại là câu chuyện khác.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng những doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn sẽ không thể không đầu tư vào Việt Nam, bởi vì Việt Nam đang nắm trong tay chiếc "chìa khóa vàng" của ngành này, đó chính là đất hiếm. "Việt Nam có trữ lượng đất hiếm rất lớn, đây là một nguyên liệu bắt buộc trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp trong ngành này tìm tới Việt Nam để đầu tư", ông Mại chia sẻ.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng tài nguyên này, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích do giá thấp vì Trung Quốc gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu để ấn định giá. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây để nâng cấp quan hệ song phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư vào trữ lượng đất hiếm của Việt Nam.

Chip bán dẫn và đất hiếm đang có vai trò quan trọng cho tương lai công nghệ toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra cuộc đua khốc liệt trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao giữa các nước phát triển, trong đó Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia đã tìm thấy ở Việt Nam cơ hội hợp tác ở hai lĩnh vực quan trọng nói trên trên.

Chip bán dẫn chính là "bộ não" của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại di động, máy tính cá nhân đến máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng blockchain 5G, robot... Ngay cả trong lĩnh vực giao thông, các hệ thống thông tin và điều khiển dựa vào chip để duy trì an toàn và hiệu suất

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Việt Nam vào hồi tháng 7 vừa qua đã cho biết Mỹ đang làm việc với các quốc gia đối tác để tăng cường đầu tư, trong đó dành một quỹ mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật Chips. "Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn", Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Trên thực tế, sau khi trở thành điểm đến của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, Việt Nam đang dần từng bước thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực bán dẫn.

Không phải chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang muốn tới Việt Nam để đầu tư sản xuất các kinh kiện bán dẫn. Tập đoàn Samsung, Amkor sở hữu các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh. Trung Quốc có tập đoàn Victory Gaint Technology đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (Nghệ An) với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2025. Đức có Infineon Technologies AG với dây chuyển và giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội.

Một số tập đoàn Việt Nam cũng đang nghiên cứu phát triển chip bán dẫn, như Tập đoàn FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới trong năm nay. Hiện FPT đã có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác, với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024 và 2025. Tập đoàn này cũng đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản.

Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G và sẽ sớm thương mại hóa, đây là những tín hiệu đáng khích lệ cho ngành vi mạch Việt Nam.

Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng miền núi Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu nguyên tố đất hiếm, đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.

Ngoài ra còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng...

Theo thông tin của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn), trên tổng lượng thế giới 130 triệu. Đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang...

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước, cam kết quốc tế và không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp thuế tức từ bỏ quyền định thuế và doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung về chính quốc gia - nơi họ đặt trụ sở chính công ty mẹ.

Việc áp thuế này sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung, và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá.

Trong nhiều năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài luôn đạt kết quả tốt vào Việt Nam. Vì vậy, với những quy tắc được áp dụng trong thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều kỳ vọng đặt ra cho sự bứt phá của ngành đất hiếm Việt Nam, bởi đây sẽ là lĩnh vực độc quyền để giữ chân các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Tuyết Nhung