Nguy cơ căng thẳng Trung Đông leo thang do lực lượng Mỹ đồn trú bị tấn công
Quốc tế - Ngày đăng : 15:09, 10/11/2023
Reuters dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ vào ngày 26.10 vừa qua, một máy bay không người lái (UAV) do nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn phóng đi đã thành công xuyên thủng hệ thống phòng không đâm vào tầng 2 của doanh trại nơi quân Mỹ ở tại căn cứ không quân Erbil. May mắn là thiết bị không phát nổ, chỉ có một quân nhân bị chấn động.
Đây là một trong ít nhất 40 vụ tấn công bằng UAV hoặc tên lửa mà các nhóm vũ trang trên địa bàn Iraq và Syria tiến hành nhắm vào lực lượng Mỹ trong 3 tuần qua với mục đích đáp trả việc chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ Israel triển khai chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Loạt vụ tấn công nêu trên không gây thương vong lớn, đa số vũ khí bị hệ thống phòng không đánh chặn. Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Schenker cảnh báo dù cả Iran, lực lượng ủy nhiệm và Mỹ đều không muốn đối đầu trực tiếp nhưng rủi ro đang gia tăng, vẫn còn đó khả năng xảy ra một vụ tấn công lớn khiến Mỹ quyết định can thiệp sâu hơn vào xung đột Israel - Hamas hiện tại.
“Tôi nghĩ họ tấn công nhằm mục đích quấy rối hơn là nhằm tiêu diệt quân Mỹ. Tuy nhiên họ có thể làm nhiều hơn vậy”, theo cựu trợ lý Schenker. Chưa rõ Tổng thống Biden sẽ phản ứng ra sao trước một vụ tấn công khiến lực lượng đồn trú bị thương vong đáng kể, hiện tại ông đang cố gắng hạn chế vai trò của Mỹ trong xung đột, chỉ giữ ở mức viện trợ quân sự cho Israel.
Ngày 5.11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sang Iraq để nhờ Thủ tướng Mohammed Shia Al-Sudani trấn áp các nhóm vũ trang và góp phần ngăn leo thang. Tuy nhiên nhiều nguồn tin quan chức cho biết nhà lãnh đạo Iraq khó lòng làm được.
Nguồn tin tiết lộ cuối tháng trước Thủ tướng Al-Sudani cùng 10 thành viên chính phủ đã gặp chỉ huy của hàng chục nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn để đề nghị họ ngừng tấn công quân Mỹ đồn trú, nhưng hầu hết đều quyết không nghe theo cho đến khi Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Nghị sĩ người Hồi giáo dòng Shi'ite Ali Turki (chỉ huy nhóm Asaib Ahl al-Haq) tuyên bố: “Không ai kể cả Thủ tướng có thể ngăn chúng tôi thực hiện nghĩa vụ tôn giáo”. Nghị sĩ Arif al-Hamami cũng nói rằng: “Tôi không nghĩ Thủ tướng có quyền ngăn chặn hoạt động tấn công lực lượng Mỹ chừng nào Israel còn thực hiện hành vi tàn ác ở Gaza với sự giúp đỡ của Mỹ”.
Sau cuộc hội kiến Ngoại trưởng Blinken, Thủ tướng Al-Sudani lập tức sang Iran kêu gọi giới chức nước này giúp đỡ gây áp lực buộc các nhóm vũ trang kiềm chế, nhưng phía Tehran trả lời rằng sẽ không can thiệp.
Trước đó Iran lên án chiến dịch quân sự tại Dải Gaza mà Israel triển khai rất mạnh mẽ, đồng thời cảnh báo nếu Israel không ngừng tay thì Mỹ phải chịu hậu quả. Phong trào Hezbollah - lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Lebanon - cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Trước nguy cơ tăng cao, Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng chiến đấu cơ đến Địa Trung Hải để gửi đi thông điệp răn đe. Washington cũng triển khai loạt biện pháp mới giúp bảo vệ lực lượng đồn trú, bao gồm đẩy mạnh tuần tra, hạn chế tiếp cận cơ sở quân sự, thu thập tin tình báo bằng UAV cùng nhiều hình thức khác, tăng cường giám sát từ tháp canh, siết chặt an ninh tại cổng vào căn cứ, tiến hành hoạt động đối phó nguy cơ UAV cùng tên lửa bay tới. Tháng trước, Tổng thống Biden hạ lệnh không kích 2 kho chứa vũ khí tại Syria trong đêm.