Hệ thực vật đang phải thực hiện cuộc đại di cư do biến đổi khí hậu
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 09:53, 08/11/2023
Nhà sinh thái học Kim McConkey từ Đại học Nottingham đã quan sát thói quen của nhiều sinh vật ăn trái cây, cho biết đôi khi một loài động vật có thể ngừng thực hiện sứ mệnh phát tán hạt cho thực vật ngay cả khi nó vẫn ở xung quanh và vẫn ăn trái cây. Mất động vật ăn thịt là một nguyên nhân. Không sợ bị cáo hay diều hâu vồ lấy, loài gặm nhấm lười mang hạt giống ra khỏi cây nơi chúng tìm thấy để tha về tổ. Thay vào đó, chúng điềm nhiên ăn uống tại chỗ như đi nhà hàng.
Ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng là một vấn đề khác: Nó có thể ngăn cản những loài phát tán hạt mạo hiểm đi vào một số khu vực nhất định, tức là chúng chỉ quanh quẩn ở địa bàn kiếm ăn mà thôi.
Giảm sự cạnh tranh về thức ăn cũng có thể làm thay đổi đáng kể mô hình phân tán. Ở đảo Guam, những loài ăn trái cây may mắn sống sót, không còn bị áp lực khi các đối thủ cạnh tranh khác biến mất. Ở đảo Tonga, loài cáo bay (một loài thuộc họ dơi) đang có số lượng giảm dần nên hiếm khi hái quả trên cây rồi mang đi nơi khác để ăn. McConkey nói: “Chúng chỉ ăn trên cây cho quả, rồi thả hạt xuống ngay bên dưới”, đồng thời, cô giải thích: “Khi chỉ có một vài con, chúng sẽ không cần phải tranh nhau để có cái ăn và hệ quả là cây không thể phát tán hạt giống. Nếu không có đủ dơi, gần như không có loại cây gì di chuyển được mầm ra xa khỏi khu vực”.
Dov Sax, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Brown, cho biết: “Sự phân mảnh môi trường sống còn là một vấn đề nữa. Phần lớn đất màu mỡ ở châu Âu được khai thác cho nông nghiệp. Và điều này cũng đúng với phần lớn miền Trung nước Mỹ. Điều đó tạo ra một rào cản lớn cho việc phân tán”.
Sax cho biết thêm, về nhiều mặt, thế giới hiện nay hoàn toàn khác so với những thời kỳ biến đổi khí hậu trước đây. Ông nêu ví dụ: “Ở Bắc Mỹ và Vương quốc Anh, không ai trong chúng ta lớn lên cùng với những chú voi lang thang khắp nơi, những con lười khổng lồ hay rất nhiều bò rừng. Nhưng đừng quên rằng khung cảnh đó đã diễn ra trong hàng triệu năm và trải qua tất cả các giai đoạn biến đổi khí hậu trước đó, những động vật có vú đó luôn sẵn sàng trong vai trò di chuyển hạt giống”.
Sax lưu ý việc dự báo số lượng thực vật phải di cư để tồn tại trước tình trạng nóng lên toàn cầu rất khó chính xác. Ông nói, có thể chúng phản ứng linh hoạt hơn so với giả định khi phải đối phó với các điều kiện khác so với nghịch cảnh từng đối mặt trong lịch sử. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy phạm vi thực vật và động vật thực sự đang thay đổi. Các loài cây ở vành đai Bắc Cực đang di chuyển về phía cực bắc khoảng hơn 40 mét mỗi năm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết phạm vi của các loài ở Bắc Mỹ cũng đã di chuyển về phía bắc trung bình 16,9 km mỗi thập niên kể từ những năm 1970; và trên khắp thế giới, thực vật đang chuyển sang những nơi có vị trí cao hơn, mát mẻ hơn, thậm chí có nhiều loài đã “leo” lên hàng trăm mét trên dãy Himalaya và dãy núi Hengduan để tìm chỗ sống được.
Điều mà các nhà sinh thái học phải làm tiếp theo là trực tiếp chỉ ra động vật có vai trò quyết định trong cuộc đại di cư của thực vật hay không và nếu có thì chúng thực hiện bằng cách nào. Họ cũng cần tìm hiểu khi các loài thực vật ngụ cư tham gia vào môi trường ở vĩ độ hoặc cao độ cao hơn với thực vật thổ cư, thì hệ sinh thái mới có ổn không. Để dễ hình dung thì giống như ta quan sát việc một làn sóng dân nhập cư vì lý do nào đó chuyển tới sống ồ ạt cùng với dân bản địa thì xã hội mới đó có vận hành ổn định không.
Mô phỏng của Fricke với dữ liệu thực tế về các loài thực vật được du nhập hiện có, cho thấy rằng khi các loài cây đậu quả di chuyển đến môi trường sống mới, hầu hết chúng sẽ được các động vật ăn trái cây bản địa đáp ứng nhu cầu phát tán hạt giống. Chỉ có điều, không ai biết chắc chắn đó phải là công thức phổ quát hay không.
Nhưng để những vấn đề then chốt trong việc chống biến đổi khí hậu thu hút được sự chú ý, vai trò quan trọng của động vật trong việc phát tán hạt giống cần được công chúng và các nhà hoạch định chính sách bảo tồn đánh giá đúng mức hơn so với hiện nay.
Chắc chắn, sự thụ phấn nhờ ong và các côn trùng khác vẫn được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu vì như đã nói trong bài trước, khoảng 75% cây trồng của con người phụ thuộc vào sự thụ phấn qua động vật trung gian. Còn việc phát tán hạt giống mà chúng ta đề cập trong loạt bài này chủ yếu là vấn đề đối với thực vật hoang dã trong tự nhiên.
Việc coi những con ong bay từ bông hoa này sang bông hoa khác thành biểu tượng của chủ nghĩa bảo vệ môi trường cũng dễ dàng hơn là tôn vinh những con dơi mặt quỷ hay những con gấu ăn quả mọng rồi thả hạt khi phóng uế bừa bãi. Tuy nhiên, phát tán hạt giống là một chức năng sinh thái thiết yếu mà loài người cần quan tâm hơn.
Rogers nhấn mạnh thông điệp khá đơn giản: “Bạn có thể thực hiện tất cả số lần thụ phấn mà bạn muốn. Nhưng nếu kết quả không được phát tán thì sẽ chỉ là con số không”. Nói cách đơn giản hơn thì bạn có thể sinh ra thật nhiều đứa con nhưng tất cả chúng không chịu ra ngoài xây dựng gia đình mới mà cứ ở nhà tới già thì đó không phải là điều hạnh phúc.