Cần trả giá điện về cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:50, 07/11/2023
Cơ chế giá điện phải mang “hơi thở” thị trường
Tại tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 7.11, PGS-TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng ngành điện vẫn còn những bất cập ở cả 3 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối.
Ông Hồi cho hay về cơ cấu giá thành cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện. Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.
“Nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế. Nếu như giá xăng dầu trên thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự. Rõ ràng giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng trong khi chúng ta đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn”, ông Hồi nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành hàng ổn định và nền kinh tế hoạt động ổn định.
Theo ông Hồi, việc cố gắng giữ giá, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm dù đảm bảo an sinh và các mục tiêu vĩ mô khác, nhưng những rủi ro có thể xảy đến. Ví dụ chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn nhưng thiệt hại lên đến 1,4 tỉ USD.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay qua sự kiện thiếu điện cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2023, những người làm công tác dự báo đã không lường hết được yếu tố thiên nhiên và giá nhiên liệu của thế giới diễn biến phức tạp. Đấy là 2 yếu tố khách quan ảnh hưởng đến điện.
“Chính vì không lường được 2 yếu tố khách quan ấy mà khi xây dựng phương án điều độ điện của năm 2023, A0 đồng ý cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện than và nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu vào chu kỳ bảo dưỡng”, ông Kiên nêu.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đề cập đến thông tin có gần 80 GB điện, nhưng đó là công suất lắp đặt chứ chưa phải là công suất hoạt động.
“Một nhà máy nhiệt điện, giờ hoạt động 1 năm không phải là cả 365 ngày và thường một nhà máy nhiệt điện chạy tốt thì tối đa đến 6.500 giờ. Còn lại là điện năng lượng tái tạo, cỡ khoảng 2.000 giờ. Chúng ta thiếu nguồn điện nền nên mới dẫn đến kịch bản thiếu”, ông Kiên nêu.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng cần chú ý đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. Nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế. Do đó, phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc.
Ngoài ra, theo ông Long, trong vấn đề điều độ vận hành hệ thống điện, hệ thống A0 trước kia thuộc EVN. Như trong một trận đá bóng, trọng tài thuộc về đội đó thì có nên hay không? Cho nên vừa qua, Chính phủ có quyết định sáng suốt chuyển A0 về Bộ Công Thương.
“Khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải 3 năm sau mới 'kịp thời' thì không nên. Kinh nghiệm ngành điện của bang California, Mỹ, có thời kỳ giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiếu hụt điện. Đây là một bài học cực kỳ quan trọng”, ông Long nói.
Không thể đốt cháy giai đoạn
Đề cập tới 2 dự án quan trọng của ngành điện là chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn và dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối, PGS-TS Bùi Xuân Hồi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng rất đúng hướng, vì dự án này đã rất lâu nên phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khác nhau để nhà máy sớm đi vào hoạt động.
Theo ông Hồi, về đầu tư trong ngành điện, ngoại trừ điện mặt trời, còn những nguồn khác không thể đốt cháy giai đoạn để nhanh được.
“Chúng ta không thể nói hôm nay chúng ta làm một nhà máy nhiệt điện khí Lô B – Ô Môn thì năm 2024 chúng ta đã sẵn sàng đưa nguồn ấy vào được. Điều đó là rất khó do đặc trưng kinh tế - kĩ thuật của ngành điện. Cho nên kỳ vọng rằng nguồn từ dự án đó ngay lập tức cho năm 2024 thì rất khó”, ông Hồi nêu.
Đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối, ông Hồi cho rằng để hoàn thành theo tiến độ thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên, sự quyết tâm của nhiều đơn vị.
“Thậm chí có những điều, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có những quyết sách như làm Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 trước đây. Chúng ta đều biết, làm công trình đó, ngày đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo, chúng ta thậm chí còn vừa làm, vừa thiết kế, vừa phê duyệt dự toán… Liệu bây giờ chúng ta có thể làm được như thế không?”, ông Hồi nêu.
Tuy vậy, ông Hồi cho rằng cũng không thể nói rằng xong hai công trình lớn như thế có nghĩa là việc cung ứng điện sẽ đảm bảo, đặc biệt trong ngắn hạn năm 2024. Do đó, cần nghĩ đến các giải pháp khác nữa cho miền Bắc và cho cả nước. Nguồn nhanh nhất có thể đưa vào là điện tái tạo.
Theo đó, cần có cơ chế để huy động ngay nguồn này vì đã hoạch định rồi nhưng vấn đề là thực thi. Liệu chúng ta có thể quay lại cơ chế giá cố định (giá FiT) hay không? Giá FiT là bao nhiêu? Liệu sản lượng thừa chúng ta có mua lại của những hộ dân đã làm công trình điện mặt trời áp mái hay không? Tất cả những cái đó có thể làm được và làm nhanh để giải quyết nhu cầu tức thời của năm 2024.