Cây xanh đô thị ở Việt Nam cũng cần tính đến biến đổi khí hậu

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:15, 21/10/2023

Biến đổi khí hậu đang tác động đến cả cây xanh đô thị nên trước khi trồng cây nào ở đô thị thì các chuyên gia trên thế giới bắt đầu cân nhắc đến tác động của nó.

Sau một loạt cơn bão đổ bộ vào California vào mùa đông năm nay, hàng nghìn cây trên khắp tiểu bang mất khả năng bám rễ vào mặt đất và đổ xuống đường dây điện, nhà cửa và đường sá. Chỉ riêng Sacramento đã mất hơn 1.000 cây trong vòng chưa đầy một tuần. Chưa kể, trong nhiều năm phải chịu đựng hạn hán, sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, cây xanh đô thị đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cục Lâm nghiệp Mỹ ước tính rằng các thành phố nước này đang mất khoảng 36 triệu cây mỗi năm do bị chặt hạ theo độ tuổi, bị sâu bệnh và con số này ngày càng gia tăng do các yếu tố tiêu cực liên quan đến khí hậu, như hạn hán. Trong một nghiên cứu được công bố trên Nature gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn một nửa số cây xanh đô thị ở 164 thành phố trên khắp thế giới đã phải trải qua điều kiện nhiệt độ và lượng mưa vượt quá giới hạn chịu đựng của chúng.

cay-xanh.jpg
Một góc xanh ở TP.HCM

Nathan Slack, Giám đốc công viên cây xanh ở thành phố Santa Barbara cho biết, rất nhiều loại cây mà chúng ta quen thuộc hiện không còn được ưa chuộng do biến đổi khí hậu. Theo Slack, các loài cây lá kim như thông hay gỗ đỏ ven biển, từng được trồng rộng rãi dọc theo bờ biển, đang chết hàng loạt. Slack cho biết: “Cường độ nắng nóng và thời gian dài không mưa thực sự buộc chúng tôi, với tư cách là những nhà quản lý cây xanh đô thị, phải hình dung lại loại cây xanh nào mới đủ tốt để trồng trên đường phố”.

Những loại cây nào nên trồng?

Cây xanh giúp khu dân cư mát mẻ, hấp thụ nước mưa và làm sạch ô nhiễm không khí. Nhưng để có thể cung cấp những chức năng quan trọng đó, chúng cần phải tồn tại trong những điều kiện thích hợp. Nhiều thành phố phải xem xét lại loài cây nào được trồng.

Slack cho biết mình đang tìm kiếm những cây thường mọc ở các bang phía đông, như cây kim tước chi, phát triển tốt hơn trong điều kiện nóng và khô hơn. Ông nói: “Những loại cây tồn tại được ở sa mạc sẽ hữu ích hơn nhiều cho chúng ta ở đây”.

Ở Sacramento, những loài như cây liễu sa mạc “Bubba” đang thay thế cây gỗ đỏ. Jessica Sanders, Giám đốc điều hành của Sacramento Tree Foundation cho biết: “Thật đáng buồn vì cây gỗ đỏ mang tính biểu tượng, nhưng vào thời điểm này nó thực sự không còn phù hợp với khí hậu của vùng Sacramento”.

Không chỉ các thành phố ở bang California phải xem xét lại cây cho bóng mát của họ. Ở Harrisonburg, bang Virginia, các quan chức đang đưa cây sồi liễu và phong hương (Liquidambar styraciflua) từ bờ biển về vì chúng chịu nhiệt tốt hơn nhiều loài địa phương. Ở Seattle, họ đang trồng thêm cây sồi madrone Thái Bình Dương và cây sồi Garry, những loại cây có dễ sống hơn trong mùa hè nóng và khô hơn.

Ở Detroit, nơi từng được mệnh danh là “Thành phố của cây xanh”, nhờ tán cây rộng phủ khắp đường phố, chính quyền đang cho trồng những loại cây cứng cáp như cây tử kinh phương Đông, cây phỉ Mỹ và cây sồi trắng để có thể chịu được nhiệt độ cực cao và lũ lụt.

Các quan chức Detroit cũng đang mở rộng trồng đa dạng các loại cây để chống lại sâu bệnh, với mục tiêu không cho phép bất kỳ loài nào chiếm hơn 10% diện tích cây xanh của thành phố. Detroit đã mất phần lớn tán cây giữa những năm 1950 và 1990 do bệnh cây du Hà Lan và một loài bọ xâm lấn có tên là sâu đục thân tro ngọc lục bảo.

Jenni Shockling, Giám đốc một Tổ chức về cây xanh đô thị ở Detroit cho biết, ngày nay gần 40% số cây còn lại được coi là “có chất lượng kém”. Shockling giải thích: “Chúng gồm các loài dễ bị bệnh và chịu bão kém nên thường bị đổ gây thiệt hại về tài sản và hạ tầng, đồng thời thải ra một lượng lớn rác thải”.

Độ che phủ của cây và biến đổi khí hậu

Bảo tồn độ che phủ của cây xanh đô thị có thể tạo ra sự khác biệt sống còn trên một hành tinh đang nóng lên. Nắng nóng cực đoan đã gây tử vong khoảng 12.000 người mỗi năm ở Mỹ và các chuyên gia cho rằng con số đó có thể lên tới 100.000 vào cuối thế kỷ này. Một nghiên cứu được Lancet công bố vào đầu năm nay cho thấy rằng việc tăng 30% độ che phủ của cây xanh trong thành phố có thể làm giảm 1/3 số ca tử vong liên quan đến nhiệt.

Theo một số nghiên cứu, độ phủ cây xanh ở các khu dân cư tỷ lệ với mức sống của cư dân, tức là người giàu sống ở khu nhiều cây xanh hơn người nghèo. Jad Daley, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận American Forests, cho biết: “Bản đồ cây cối ở bất kỳ thành phố nào ở Mỹ đều là bản đồ thu nhập và bản đồ chủng tộc”.

Theo các chuyên gia như Daley, ngân sách của chính quyền rót vào cây xanh có thể biến đổi bản đồ xanh ở đô thị. Nhưng tiền không phải là tất cả vì việc sử dụng các loài mới để lấp đầy đường phố đang vấp phải một vấn đề mới: nguồn cung.

Shockling cho biết: “Hiện tại có những điểm nghẽn trong dây chuyền cung ứng truyền thống. Các chủ vườn có xu hướng ưa chuộng những loài quen thuộc vì chúng phát triển tốt trong vườn ươm hoặc phát triển nhanh, nhưng điều đó chưa chắc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về đa dạng loài mà chúng tôi đang cố gắng theo đuổi”.

Theo David Teuschler, chủ của Devil Mountain, một trong những vườn ươm lớn nhất California, ngay cả những cây bản địa ở California cũng đang gặp khó khăn trong tình trạng hạn hán ở bang này.

Teuschler muốn đầu tư nhiều hơn vào những loại cây như sồi Mesa hoặc sồi bạc để bán ở Bắc California hoặc cây phong hương Salt Marsh để bán ở Nam California, nhưng phải mất nhiều năm để cây phát triển đến kích cỡ có thể bán được và nếu để lâu quá thì chúng lại phát triển ở kích cỡ khó tiêu thụ. Do vậy, những cây không bán được sau một thời gian thường phải đốt bỏ.

Việc trồng cây giống nhiêu khê như vậy nên Teuschler muốn hợp tác với những khách hàng có kế hoạch rõ ràng. Ông nói: “Bạn phải nhớ rằng có rất nhiều người theo trường phái cũ muốn trồng cây gỗ đỏ. Còn nếu bạn muốn đầu tư trồng những loài thích nghi với hạn hán này, cần phải tính trước việc không bán được sẽ rất tốn kém”.

Cây cần có khả năng chống hạn hán

Một trong những bạn hàng lâu năm của vườn ươm Devil Mountain là Dave Muffly, nhà trồng cây ở California, người đã thực hiện tất cả dự án cây xanh đô thị có khả năng chịu hạn quanh vùng.

Muffly lần đầu tiên tìm kiếm những loại cây chịu hạn cách đây 15 năm, khi thực hiện dự án trồng 1.000 cây dọc theo đoạn đường cao tốc dài 3 cây số chạy qua Đông Palo Alto. Ông muốn cây được trồng vừa phải thường xuyên xanh tốt để ngăn chặn ô nhiễm trên đường cao tốc đến khu người nghèo ở gần đó và vừa phải có khả năng chịu hạn. Thế nhưng, hầu hết các vườn ươm trong bang đều có ít lựa chọn.

Muffly bắt đầu lùng sục vùng Tây Nam để tìm những giống sồi cứng cáp hơn. Muffly cho biết, với hơn 500 loài sồi trên khắp thế giới có thể sinh sản và tạo ra các giống lai khả thi, những cây này có khả năng phát triển những đặc điểm có thể giúp chúng sống sót trước biến đổi khí hậu nhanh chóng.

Với sự giúp đỡ của Teuschler, các dự án của Muffly - gồm cả siêu dự án 9.000 cây xung quanh khuôn viên của Apple – là minh chứng hùng hồn cho các thành phố khi họ hướng tới trồng cây có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Muffly cho biết, thông qua việc dùng nguồn ngân sách của liên bang ký hợp đồng với các vườn ươm như Devil Mountain, giải pháp này có thể được nhân rộng trên khắp nước Mỹ để đáp ứng nhu cầu riêng của từng khu vực. Chỉ có như vậy, cây xanh trong các đô thị mới mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững trước biến đổi khí hậu.

Theo tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị Việt Nam (TCVN 9257: 2012), các loại cây xanh được trồng trên đường phố gồm: cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm có tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Cây xanh đường phố thường bao gồm bulơva, dải cây xanh ven đường đi bộ (vỉa hè), dải cây xanh trang trí, dải cây xanh ngăn cách giữa các đường, hướng giao thông…

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế quy hoạch cây xanh đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, yêu cầu quan trọng đặt ra là việc tổ chức hệ thống cây xanh đô thị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta vẫn chưa nhắc nhiều là khi trồng cây cần phải tính đến biến đổi khí hậu. 

Cây xanh đô thị ở Việt Nam

Anh Tú