Vì sao dân châu Âu ưa thích xe điện Trung Quốc?
Xe - Ngày đăng : 12:49, 19/10/2023
Khi tìm kiếm xe điện thay thế chiếc SUV chạy xăng của Pháp, Laima Springe-Janssen, sống tại Copenhagen (Đan Mạch) cân nhắc một số mẫu xe Volvo và Nissan. Nhưng xe Volvo vượt quá ngân sách dự kiến còn xe Nissan lại chẳng sở hữu tính năng vượt trội nào, cuối cùng cô mua Atto 3 từ hãng Trung Quốc BYD.
“Tôi rất thích chiếc này. Atto 3 với mức giá tương đương khoảng 50.000USD lại sở hữu tất cả tiện ích như camera hành trình 360 độ, 2 năm sạc miễn phí cùng bộ lốp xe dùng trong mùa đông”, Springe-Janssen cho biết. Chồng cô thích xe mới đến nỗi cân nhắc mua một xe BYD nữa để thay thế chiếc Skoda của họ.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Sự ưa thích của người dân lục địa già dành cho xe điện Trung Quốc đang gia tăng thách thức loạt thương hiệu nội địa lâu đời tại đây. Mối đe dọa cạnh tranh thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra về chính sách trợ cấp mà Trung Quốc dành cho ngành xe điện nước này – động thái làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ giữa quốc gia châu Á với phương Tây.
Xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường
Nhà phân tích độc lập Matthias Schmidt cho biết, các hãng xe điện Trung Quốc được thu hút ở châu Âu vì thuế với ô tô nhập khẩu ở đây chỉ là 10% so với 27,5% ở Mỹ. Ngoài ra, lục địa già cũng có thị trường pin xe điện lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Người tiêu dùng châu Âu đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, vì thế, xe điện Trung Quốc có giá cả phải chăng và nhiều tính năng, thiết kế thời thượng nên vô cùng thu hút họ.
Ba năm trước, John Kirkwood, một công dân Anh về hưu đã thay thế chiếc Volkswagen Passat bằng xe MG5 giá 30.000bảng (36.000USD) – quá rẻ so với một chiếc Kia đối thủ đắt hơn đến vài nghìn USD.
“Xe đẹp và tinh tế”, Kirkwood nhận xét. Ông không quan tâm thương hiệu MG thuộc sở hữu SAIC Motor của Trung Quốc.
MG là đơn vị xe điện Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu. BYD - nhận được đầu tư từ tỷ phú Warren Buffett - đang tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường còn có sự góp mặt của Geely, Polestar, Lynk & Co, Lotus, Nio, Xpeng.
Theo dữ liệu từ nhà phân tích Schmidt, các hãng Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% thị trường ô tô lục địa già nhưng lại nắm đến 8,4% thị trường xe điện – tăng từ 6,2% năm 2022 và gần như 0% năm 2019.
EC mở cuộc điều tra
Tình hình trên làm dấy lên lo ngại ngành công nghiệp ô tô châu Âu không cạnh tranh nổi trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận xét: “Thị trường toàn cầu giờ đây tràn ngập xe điện Trung Quốc với giá được giữ ở mức thấp nhờ nhà nước trợ cấp”.
Vào tháng 10, EC chính thức mở cuộc điều tra dự kiến kéo dài 13 tháng. Kết quả điều tra có thể là cơ sở để áp đặt thuế nhập khẩu. Trung Quốc lập tức bày tỏ bất bình đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nước này.
Không chỉ hãng Trung Quốc, nhiều hãng quốc tế như Tesla hay BMW cũng sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất sang châu Âu. Dữ liệu từ nhà phân tích Schmidt chỉ ra năm nay họ đã xuất khẩu 164.300 chiếc – có nghĩa là cứ mỗi 5 chiếc xe điện bán ra ở lục địa già thì có một xe là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Stellantis (đơn vị sở hữu các thương hiệu Peugeot, Citroen, Alfa Romeo và Fiat) tỏ rõ quyết tâm cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc. Giám đốc điều hành Carlos Tavares gần đây tuyên bố công ty đang “chống trả cuộc xâm lược thị trường châu Âu” của xe Trung Quốc bằng mẫu xe giá rẻ Citroen e-C3.
Hãng Aiways có trụ sở tại Thượng Hải phủ nhận cáo buộc chính phủ Trung Quốc trợ cấp. Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh nước ngoài Alexander Klose cho biết: “Chúng tôi không bán hàng hay nhận trợ cấp ở Trung Quốc. Đúng là chúng tôi được nhận trợ cấp khi đặt nhà máy ở đâu đó, nhưng tôi nghĩ đây là thứ mà mọi đơn vị ở châu Âu đều nhận được. Aiways tập trung vào thị trường châu Âu và Israel thay vì Trung Quốc nơi thị thường ô tô đông đúc đến mức chúng tôi không nghĩ cạnh tranh vào lúc này là hợp lý”.
Cũng theo Phó chủ tịch Klose, EU nên nỗ lực hướng tới một tương lai xanh thay vì ngăn chặn sự cạnh tranh.
Lý do khiến Trung Quốc sản xuất được xe điện giá rẻ
Một lý do khiến các hãng Trung Quốc có thể đem đến sản phẩm chất lượng cao nhưng giá phải chăng bắt nguồn từ quy định hãng quốc tế muốn vào thị trường tỷ dân này phải hợp tác với đối tác địa phương, cung cấp cho họ bí quyết sản xuất quan trọng.
“Đối tác Trung Quốc giống “bếp phó” của công ty phương Tây vậy. Tình hình hiện nay là các “bếp phó” đều tự mở nhà hàng riêng và trong vài trường hợp còn làm ăn tốt hơn nhà hàng của “người thầy” họ từng theo học”, theo nhà phân tích Schmidt.
Một lý do khác nữa là động cơ chạy điện không phức tạp như động cơ đốt trong và cần ít nhân công hơn. Các thương hiệu châu Âu lâu nay vốn có lực lượng lao động lớn, cần nhiều năm để cải tổ giảm chi phí.
Ngoài ra, hãng Trung Quốc cũng rất cố gắng trở nên nổi bật. Thương hiệu Ora (trực thuộc Great Wall Motors) tập trung vào phụ nữ với một số mẫu xe được thiết kế phù hợp kích thước cơ thể cùng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.
Chiếc Ora Funky Cat sở hữu đèn pha tròn, dấu chấm than độc đáo trên huy hiệu gắn mui xe đã thu hút biên kịch người Anh Justin Nicholls mua cho người vợ của mình.
“Ngoại hình cùng công nghệ đều tuyệt vời. Xe rất dễ lái nhưng mang lại cảm giác như một phương tiện lớn cao cấp”, Nicholls chia sẻ. Ora Funky Cat còn hấp dẫn ông vì nổi bật giữa những chiếc Volkswagens, Peugeot, BMW thường thấy trên đường phố của đảo quốc sương mù.