TP.HCM: Nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp do uống cỏ mực
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:30, 18/10/2023
Chiều 18.10, BSCK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, chỉ trong quý 2 và đầu quý 3/2023, bệnh viện đã tiếp nhận đến 7 trường hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn do uống cỏ mực.
Mới nhất là trường hợp anh P.V.H (47 tuổi, Vĩnh Long) - bệnh nhân suy thận độ 3 thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bình Dân. Các bác sĩ có hướng dẫn anh H. dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận mạn.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân đã không tái khám theo lịch hẹn. Đầu tháng 10.2023, anh H. quay lại bệnh viện khám vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức không rõ nguyên do và cơ thể mệt mỏi.
Tại đây, bác sĩ chỉ định anh thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Kết quả cho thấy anh đã rơi vào suy thận cấp trên nền suy thận mạn, độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate-GFR) của anh H. chỉ còn 4 ml/phút/1,73m2. Trong khi đó, chỉ số GFR nhỏ hơn 15 ml/phút/1,73m2 đã là suy thận giai đoạn 5, là giai đoạn nghiêm trọng nhất và tính mạng của bệnh nhân đang rất nguy hiểm.
Bệnh nhân được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.
Theo lời anh H., sau thời gian điều trị suy thận tại Bệnh viện Bình Dân, anh thấy người không đau mệt, nghĩ không có bệnh nữa nên không uống thuốc. Lúc này, có người mách anh uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng để trị bệnh thận. Sau đó, mỗi ngày anh H. uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2, 3 muỗng đậu đen, uống trong liên tục 3 tháng thì rơi vào tình trạng trên.
“Sau 2 ngày điều trị, tình trạng đau nhức chân cùng các triệu chứng suy thận khác của anh H. đã giảm, chức năng thận được cải thiện. Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, bệnh nhân sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời”, bác sĩ Thùy cho biết.
Theo bác sĩ Thùy, cỏ mực có nhiều tên gọi như nhọ nồi, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên… Trong Đông y, cỏ mực không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, thường dùng chữa sốt cao, chảy máu cam, mề đay, viêm họng, suy nhược… Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực.
Đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém, việc dùng các hoạt chất từ cây cỏ, thuốc, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn.
Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên internet. Điều này dẫn tới hậu quả đáng tiếc là bệnh nhân rơi vào suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.
Ngoài cỏ mực thì hiện nay trên mạng internet còn lan truyền nhiều “bài thuốc” lợi tiểu, “tốt cho thận” như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ... Tất cả các cây này đều có chứa chất độc acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận nhưng đáng ngại là những loại cây này đang được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, “tẩm bổ”.
Bệnh nhân suy thận mạn cần phải được thăm khám, điều trị bằng thuốc, kiểm soát thường xuyên các chỉ số như protein niệu, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.
“Người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Những bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể bảo tồn chức năng thận ổn định dù phát hiện suy thận nhiều năm”, bác sĩ Thùy khuyến cáo.