Ngân hàng Nhà nước: Xem xét cẩn trọng các dòng vốn ‘nóng’, mang tính 'đầu cơ'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:35, 16/10/2023
Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém
Chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng NHNN Việt Nam là một trong số ít ngân hàng Trung ương có thể giảm lãi suất điều hành. Qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.
Liên quan đến tỷ giá, ông Hà cho hay NHNN đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN can thiệp để mua vào. Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Mỹ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Hà, hiện nay, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. NHNN cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
“NHNN thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính”, ông Hà nhấn mạnh.
Về tiếp cận đất đai của nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho hay theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; ngoài 3 khu vực này, nhà đầu tư phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Như vậy so với cách tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong nước thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn thiếu một nội dung là trực tiếp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư.
Theo ông Ngân, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã có ý kiến và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo Bộ TN-MT thực hiện. Trong ngày hôm nay, Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện hồ sơ lần cuối để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có tiếp thu và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng đánh giá tác động của nội dung này.
Giảm triệt để điều kiện cho chuyên gia vào Việt Nam
Về chính sách lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong của Liên Hợp Quốc về việc làm thỏa đáng, công bằng cùng hệ thống an sinh bao trùm, bền vững.
“Chúng tôi chọn một số khâu đột phá như xây dựng thị trường lao động bền vững, hội nhập, linh hoạt, đa dạng, lấy sinh kế của người dân làm trọng tâm; tập trung nhu cầu thiết yếu cho người lao động; phấn đấu từ năm đến 2030 xóa toàn bộ nhà tạm cho người lao động và xây dựng 1 triệu căn hộ với giá hợp lý cho công nhân, lao động”, ông Dung nêu.
Ngoài ra, ông Dung cũng cho biết sẽ giảm triệt để điều kiện, tiêu chí cho chuyên gia, người quản lý, lao động kỹ thuật vào Việt Nam ở mức độ thấp nhất có thể; quy định nhóm giám đốc điều hành, trưởng các phòng, ban… được cấp giấy phép lao động luôn; cấp phép cho chuyên gia vào làm việc ở nhiều địa phương chỉ cần 1 giấy phép của bộ, còn ở nhiều địa điểm trong 1 tỉnh thì giao cho tỉnh và chỉ cấp phép 1 lần; bãi bỏ thẩm quyền cấp phép lao động của BQL khu công nghiệp…
“Chúng tôi cũng chấn chỉnh một số địa phương trong việc cấp theo theo Nghị định 152, tinh thần chung là cởi mở nhất, thông thoáng nhất và nhanh gọn nhất. Nếu có vấn đề gì trong quá trình tổ chức, thực hiện thì bộ sẽ lắng nghe và tích cực điều chỉnh cùng với các địa phương”, ông Dung nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư:
Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Ngoài ra, tập trung tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
“Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Thủ tướng nêu.