Sôi động dòng chảy kịch Sài Gòn

Văn hóa - Ngày đăng : 14:48, 13/10/2023

Sau đại dịch COVID-19, sân khấu kịch Sài Gòn bỗng hồi sinh một cách sôi động và có phần kỳ diệu.

Hơn một thập kỷ qua, kịch nghệ và cải lương luôn được nhắc đến trong tình trạng khó khăn, chấp chới. Thậm chí, có người còn dùng từ “ hấp hối” để nói về khả năng hai loại hình nghệ thuật này có thể bị bức tử bởi những loại hình giải trí mới mẻ và phù hợp tâm lý đương đại xuất hiện ngày càng nhiều. Ấy vậy mà, sau khi đại dịch COVID-19 qua đi, sân khấu kịch Sài Gòn hồi sinh một cách sôi động và có phần kỳ diệu.

Tăng về lượng sân khấu

Cuối năm 2022, bước qua đầu năm 2023, tức là thời điểm dịch bệnh đã tan, xã hội trở lại sinh hoạt bình thường, các sân khấu kịch ở TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Sân khấu Idecaf cháy vé liên tục; Thế Giới Trẻ cũng luôn trong tình trạng đặt vé trước; Hoàng Thái Thanh dù vẫn đi theo lối riêng kén khán giả nhưng vẫn sáng đèn và đầy lạc quan; sân khấu 5B vẫn còn đang cầm cự; sân khấu Hồng Vân vì không có điểm diễn thuận lợi nên thu hẹp hoạt động; còn sân khấu Quốc Thảo và Hồng Hạc vẫn âm thầm ở góc riêng của mình.

Nhìn chung, tình hình các sân khấu đã mạnh lên, vé bán chạy đã thắp lên một tia hy vọng cho sức sống của kịch nghệ tại thành phố đông dân và năng động nhất nước như TPHCM.

382170435_851914473326357_677936677373116757_n.jpg
Thành Lộc gần đây gây chú ý với việc thành lập sân khấu Thiên Đăng và màn ra mắt vở "Giáng hương"

Trong bối cảnh ấy, sự kiện NSƯT Thành Lộc rời Idecaf và thành lập Thiên Đăng, gây được sự chú ý lớn cho công chúng. Gần như cùng thời gian, sân khấu Hồng Vân tái xuất hiện tại điểm diễn mới cũng là động thái khiến công chúng yêu kịch quan tâm. Trước đó ít lâu, thành phố cũng có thêm sân khấu mới gồm: Trương Hùng Minh của ông bầu Minh Nhí và Việt Hương, Nhà hát Thanh Niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Như vậy, riêng năm 2023, nếu không tính địa điểm mới của sân khấu Hồng Vân thì thành phố đã có thêm 3 sân khấu mới. Sự gia tăng về số lượng sân khấu đã khiến cho không ít người hoài nghi rằng cung nhiều hơn cầu, số sân khấu nhiều hơn lượng khán giả yêu kịch.

Lý giải cho vấn đề này, NSƯT Thành Lộc nói rằng: “Tôi tin rằng với dân số hơn 10 triệu người đang sinh sống, số sân khấu có mở ra nhiều thêm cũng không sợ bị vắng khán giả. Bạn tính thử xem, một rạp kịch chỉ có 300 đến 600 chỗ ngồi. Mỗi rạp diễn liên tục 7 ngày trong tuần, cũng chỉ đáp ứng được tầm 2.100 đến 4.200 khán giả. Tỷ lệ quá nhỏ so với tổng dân số. Vấn đề đáng nói ở đây không phải là số lượng rạp mà là chất lượng vở diễn. Qua kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngay cả thời điểm sân khấu bết bát nhất thì vẫn có nhiều suất diễn đầy rạp. Điều quan trọng là tuồng hay và chạm được vào người xem. Thực tế, tôi thấy khán giả hiện nay có 2 xu hướng thưởng thức rất rõ. Thứ nhất, các bạn trẻ thích thể loại kịch vui vẻ, đơn giản nhưng nắm bắt những sự kiện nổi trội trong đời sống. Thứ nhì, đó là đối tượng khán giả mê kịch tâm lý có chiều sâu nội tâm”.

Trên thực tế, tính từ thời điểm đầu năm 2023 cho đến khi Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc ra đời, các sân khấu tại TP.HCM đều đông khán giả. Trong đó, Hoàng Thái Thanh với vở Trả lại lia thia, suất nào cũng đầy 700 ghế; Thiên Đăng với hai vở Giáng hương Alô lộ hàng, khán giả phải ngồi chờ mua vé từ sớm. Bông cánh cò của Hồng Vân cũng được khen ngợi. Tất cả các suất diễn của vở hài hước, kịch dân gian thiếu nhi của sân khấu Trương Hùng Minh luôn không còn ghế trống. Nhà hát Thanh Niên hầu như cháy vé ở các vở do Ngọc Hùng dàn dựng.

Điều bất ngờ vào tháng 10.2023 là sự xuất hiện của Bến lửa lòng tại sân khấu 5B. Cứ ngỡ kịch tâm lý không có yếu tố ngôi sao sẽ khiến khán giả ít quan tâm, thế nhưng, nhưng sau sự ra mắt thành công, vở diễn đã thu hút đông công chúng đến xem.

Chăm chút chất lượng

Tất cả các vở diễn thành công đều được nhìn nhận qua 2 yếu tố. Thứ nhất, mỗi sân khấu đã xác định rõ được khán giả của mình. Với Thế Giới Trẻ, Nhà hát Thanh Niên vẫn là câu chuyện đơn giản mang phong cách trẻ trung, có một chút yếu tố giới tính, kinh dị hoặc huyền ảo.

Với sân khấu Trương Hùng Minh vẫn khai thác được thế mạnh hài của Minh Nhí, Việt Hương, Huỳnh Lập, và tính hoạt náo của Đại Nghĩa cùng nhiều cộng sự; với Thiên Đăng, Hoàng Thái Thanh thì trước tiên là nội dung câu chuyện sâu và đẹp, có tính triết lý và kế đến là sự chăm chút từng chi tiết từ cảnh trí, âm thanh, ánh sáng.

Bông cánh cò của Hồng Vân tuy có cốt truyện đơn giản nhưng có nhiều tình tiết chạm mạnh vào cảm xúc; còn Bến lửa lòng của 5B là kịch bản đầy cao trào và yếu tố bất ngờ, cộng với diễn xuất rất ăn ý của toàn bộ diễn viên. Tất cả đều được chăm chút tới nơi tới chốn, từ câu chuyện đến cách dàn dựng.

387011922_633338802328718_6859808457125024718_n.jpg
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong vở Bích Hoa - cô là ai?

Trước tình hình đó, sân khấu Idecaf dù vắng mặt NSUT Thành Lộc cũng bắt đầu đẩy mạnh dòng kịch tâm lý. Vở Bích Hoa - cô là ai? có sự góp mặt của nghệ sĩ Thanh Thủy, NSƯT Tuyết Thu, Đại Nghĩa, Đình Toàn đang ráo riết tập luyện chờ ngày ra mắt. Bên cạnh đó, sân khấu diễn lại tất cả những kịch mục ăn khách của Idecaf suốt nhiều năm. Sự thành công của dòng kịch tâm lý đậm chất nam bộ như Trả lại lia thia, Bến lửa lòng, Giáng Hương, Bông cánh cò cũng đã gợi mở cho các sân khấu khấu một hướng đi. Cái chất mộc mạc nhưng giàu tình cảm của tâm lý người Nam Bộ là chất liệu mạnh để các sân khấu có thể thông qua vở diễn giữ chân và thu hút người xem mới.

Được biết, nghệ sĩ Trung Dân đã chuẩn bị sẵn 2 kịch bản kịch thuần chất Nam Bộ. Năm 2024, anh và êkíp sẽ bắt tay lên sàn. Địa điểm diễn sẽ theo dạng thuê rạp và điểm diễn linh hoạt. Có lẽ, trong tương lai, tại phía Nam sân khấu kịch thể loại chính luận sẽ hồi sinh và góp phần vào sự đa sắc của đời sống kịch nghệ chốn này.

NSUT Mỹ Uyên chia sẻ: “Sau thời gian lèo lái sân khấu 5B Võ Văn Tần với nhiều hướng khác nhau, từ đây, tôi quyết định trở về với thể loại kịch có chiều sâu tâm lý. Đương nhiên, đâu đó vẫn có thấp thoáng một vài màu sắc yêu thích của các bạn trẻ tuổi teen, nhưng trọng tâm vẫn là câu chuyện khiến người xem phải suy nghĩ và suy gẫm. Tôi tin rằng sân khấu kịch Sài Gòn vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích phong cách này, và rất nhiều nghệ sĩ đang khát khao được hóa thân vào những vở kịch đẹp có chiều sâu. Làm kịch không có tiền, nhưng chúng tôi có niềm vui từ những khán giả tri âm”.

>>NSƯT Thành Lộc: Nghệ sĩ sẵn sàng chết cho một nền nghệ thuật tử tế

>

Nguyễn Huy