TP.HCM có phát triển nhanh hơn khi thực hiện chính quyền đô thị?
Sự kiện - Ngày đăng : 15:27, 13/10/2023
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức CQĐT không thí điểm. Đây được xem là cơ hội lớn để TP.HCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Một trong những kết quả đáng chú ý sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 là UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định phân cấp trên một số lĩnh vực như tài chính, kế hoạch - đầu tư, nội vụ, tài nguyên - môi trường, lao động - thương binh - xã hội, nông nghiệp - phát triển nông thôn, khoa học - công nghệ, xây dựng, công thương.
UBND TP còn xây dựng đề án về ủy quyền cho các sở ngành, thủ trưởng các sở ngành, UBND quận huyện, chủ tịch UBND quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Qua đó, TP tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian không phải trình qua UBND TP, Chủ tịch UBND TP, nên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực hiện ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch chứng thực, đến nay đã có 150/249 phường, chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực giấy tờ, văn bản.
Tuy vậy, UBND TP.HCM cũng xác định những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực phát sinh khi quá trình thực hiện CQĐT. Gồm lĩnh vực nội vụ, tư pháp, tài chính, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc, thanh tra…
UBND TP.HCM nhìn nhận các văn bản pháp luật khác (ngoài Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021) vẫn chưa được điều chỉnh một cách hệ thống, đồng bộ, chưa có quy định cụ thể để hỗ trợ cho việc triển khai tổ chức CQĐT tại các địa phương được Quốc hội cho phép thực hiện.
Hơn nữa, TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện ngay tổ chức CQĐT không thí điểm nên bước đầu của quá trình triển khai thực hiện, TP cũng gặp không ít lúng túng.
Số lượng công chức tại TP.HCM chưa phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc từng vị trí việc làm, quy mô dân số và đặc điểm chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, TP.HCM sắp xếp, điều chỉnh khắc phục những bất cập thuộc thẩm quyền của TP như phân cấp, ủy quyền từ TP xuống các quận huyện, các quận huyện xuống cấp phường xã; hay vấn đề về đầu tư, ngân sách… Đồng thời, TP tiếp tục phối hợp các cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131 và các nghị định, văn bản có liên quan.
Đẩy nhanh xây dựng chính quyền số để đến cuối năm 2025, TP cơ bản chuyển hoạt động nền hành chính lên nền tảng số.
TP.HCM cũng tập trung nghiên cứu và triển khai các biện pháp phát huy quyền làm chủ của người dân, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp gắn với đổi mới phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND TP.Thủ Đức cũng như hệ thống MTTQ các cấp.
Qua hoạt động tiếp xúc với nhân dân, hoạt động giám sát của HĐND TP.Thủ Đức, hệ thống MTTQ, TP tiếp thu các ý kiến và có biện pháp để cải thiện. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cần thực hiện thường xuyên để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu lực hiệu quả nền hành chính, CQĐT.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về mô hình CQĐT tại TP, để chuẩn bị cho tổng kết 5 năm thực hiện, có định hướng triển khai thời gian tới.
"Đây là nhiệm vụ tương lai nhưng rất quan trọng. Chúng ta thực hiện Nghị quyết 131 nhưng cũng có bất cập, TP đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131. Như vậy sau 5 năm, chúng ta có sửa tiếp hay chúng ta đề xuất một khung pháp lý. Nói cách khác là TP cần cái áo rộng hơn, phù hợp hơn cho vai trò lớn hơn. Chiếc áo cho một siêu đô thị mà dân số có thể không dừng lại ở 10, 13 triệu người mà có thể là 15, 16 hay 20 triệu dân", ông Mãi nói.
Thực hiện nghị quyết 131, TP.HCM không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP.HCM, UBND, chủ tịch UBND quận, phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Mục tiêu là nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.