Giá vàng ở mốc 70 triệu đồng, người mua lỗ gần 1 triệu đồng/lượng sau 1 đêm

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:37, 13/10/2023

Chỉ sau 1 đêm, người mua vàng lỗ gần 1 triệu đồng/lượng khi giá vàng SJC bất ngờ giảm sâu. Mốc 70 triệu đồng/lượng hôm nay vẫn được duy trì ở chiều bán ra.

Sau phiên tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 2 năm vào hôm qua (12.10), giá vàng SJC trong nước sáng nay (13.10) lại quay đầu giảm. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá thương hiệu vàng này vào đầu giờ sáng tại 69,40 - 70,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua.

vang.png
Giá vàng miếng SJC đã lên tới 70 triệu đồng/lượng - Ảnh: IT

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng điều chỉnh giảm giá vàng miếng thêm khoảng 150 - 200.000 đồng mỗi lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 69,35 - 70,20 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.

Phú Quý SJC sáng nay niêm yết 69,50 - 70,20 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng ở mức dao động từ 69,68 - 70,33 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy, giá vàng SJC đã giảm từ 150.000 đồng/lượng tới 250.000 đồng/lượng. Cộng thêm chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra lên tới 800.000 - 900.000 đồng/lượng, chỉ sau một đêm, người mua vào đã lỗ khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn, vàng các thương hiệu khác hôm nay tương đối đứng giá so với phiên hôm qua. Nhẫn tròn Vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,732 - 57,62 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Vàng PNJ 56,60 - 57,60 triệu đồng/lượng; nhẫn SJC cũng niêm yết mức 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng...

Trong khi đó, giá vàng thế giới rạng sáng nay đảo chiều giảm với vàng giao ngay giảm 5,2 USD xuống còn 1.868,8 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.881,1 USD/ounce, giảm 1,4 USD so với rạng sáng qua. Theo quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 55,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng do căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang khiến nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản trú ấn an toàn. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát của Mỹ vừa công bố, tăng mạnh so với dự báo của chuyên gia trước đó cũng giúp cho đà tăng giá của vàng. Lạm phát trong 12 tháng qua tăng 3,7%, cao hơn so với dự báo.

Trên thị trường tiền tệ, ngày 13.10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.067 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD. Tỷ giá tại ngân hàng thương mại khoảng 24.300 - 24.600 đồng/USD.

Đã đến lúc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng?

Theo dự báo của giới chuyên gia, giá vàng từ nay đến cuối năm 2023 còn tăng do căng thẳng chính trị vẫn kéo dài, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay... Vì vậy, giá vàng thế giới có thể chinh phục trở lại ngưỡng 1.900 - 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ tăng mạnh theo giá vàng thế giới.

Trước tình trạng giá vàng trong nước luôn luôn đứng cao ngất ngưởng độc lập, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên sửa Nghị định 24 để bình ổn thị trường vàng, để cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Đặc biệt, cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng gửi Quốc hội.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do phó thủ tướng chính phủ chủ trì.

Tại cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều ý thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết)", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Tuyết Nhung