Apple và nhiều hãng smartphone từ chối thỏa thuận với Bing, giữ Google làm mặc định
Thế giới số - Ngày đăng : 12:05, 29/09/2023
Jonathan Tinter, Phó chủ tịch Microsoft đảm nhiệm việc phát triển Bing, đã làm chứng tại phiên tòa chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Google ở tòa án thuộc Washington D.C (thủ đô Mỹ).
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google trả hơn 10 tỉ USD hàng năm cho các nhà cung cấp dịch vụ không dây và nhà sản xuất điện thoại thông minh để đảm bảo rằng Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ. Chính phủ Mỹ cho rằng Google đã lạm dụng sự độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và một số khía cạnh của quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.
Từ ngày 12.9, chính phủ Mỹ đã triệu tập các nhân chứng để chứng minh rằng Google, từ giữa những năm 2000, đã tìm cách thu hút một lượng lớn truy vấn tìm kiếm bằng cách giành được trạng thái mặc định trên các thiết bị di động.
Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố: “Google của Alphabet chi trả hơn 10 tỉ USD mỗi năm để duy trì vị trí là công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt web và thiết bị di động, nhằm kìm hãm sự cạnh tranh”.
Kenneth Dintzer, một luật sư của chính phủ Mỹ, nói: “Vụ việc này liên quan đến tương lai của internet và liệu công cụ tìm kiếm Google có phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể hay không. Bằng chứng sẽ cho thấy Google yêu cầu quyền độc quyền mặc định để chặn các đối thủ tiến lên”.
Kenneth Dintzer cho biết Google đã trở thành công ty độc quyền ít nhất vào năm 2010 và hiện kiểm soát hơn 89% thị trường tìm kiếm trực tuyến. Ông nói: “Công ty phải trả hàng tỉ USD cho những tùy chọn mặc định vì chúng có sức mạnh đặc biệt. Trong 12 năm qua, Google đã lạm dụng sự độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm nói chung”.
Jonathan Tinter nói rằng Jonathan Tinter đã rất khó để giành được trạng thái mặc định trên smartphone bán ở Mỹ và quy mô nhỏ hơn này dẫn đến chất lượng tìm kiếm kém hơn.
Theo sự thẩm vấn của Bộ Tư pháp Mỹ, Jonathan Tinter đã làm chứng rằng Bing không được cài đặt mặc định trong bất kỳ smartphone Android hoặc Apple nào được bán ở Mỹ trong thập kỷ qua, dù đôi khi Microsoft đề nghị cung cấp hơn 100% hoặc nhiều hơn thế doanh thu cho đối tác.
Một luật sư của Google đã đặt câu hỏi cho Tinter về việc tiền bạc hay chất lượng kém đã ngăn Bing không thể thay thế Google để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone và các thiết bị khác. Luật sư này chỉ ra phân tích do hãng Keystone Strategies thực hiện từ năm 2010 cho thấy những người khám phá Bing chỉ sử dụng nó trong một thời gian rất ngắn.
Ông nói: “Số lượng người dùng Bing ở lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn một nửa số người dùng mới chỉ có một ngày hoạt động trên Bing mobile trước khi rời đi”. Jonathan Tinter không đồng tình nhận xét này.
Hôm 26.9, Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, nói tại tòa rằng Apple đã chọn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone vì điều này có ý nghĩa nhất với người tiêu dùng và "không có sự thay thế hợp lý nào khác”.
Eddy Cue, nhà đàm phán chính của Apple về hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với Google, đã xuất hiện tại tòa án liên bang ở Washington D.C. (thủ đô Mỹ) hôm 26.9 để thảo luận về thỏa thuận lâu dài giữa hai công ty. Dù các thông tin chi tiết hơn của thỏa thuận sẽ được bàn thảo trong các phiên tòa đóng cửa không dành cho công chúng, tuyên bố mở đầu của Eddy Cue làm sáng tỏ các khía cạnh của thỏa thuận hiếm khi được thảo luận công khai.
Eddy Cue nói: “Khi chọn công cụ tìm kiếm, chúng tôi chọn công cụ tốt nhất và để khách hàng dễ dàng thay đổi chúng”. Sau đó, Eddy Cue cho biết thêm rằng khi nói đến các lựa chọn thay thế Google, Apple có một số lựa chọn mà “khách hàng chưa bao giờ nghe đến”. Điều này có thể khiến Apple sợ đưa ra lựa chọn sai lầm.
Luật sư Kenneth Dintzer cho biết Google đã "vũ khí hóa" việc sử dụng các thỏa thuận mặc định để ngăn cản các đối thủ và thực thi sức mạnh thị trường của mình bằng cách ngăn chặn Apple theo đuổi các lựa chọn tốt hơn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt, máy tính, điện thoại và các thiết bị khác của họ.
Kenneth Dintzer nói Apple lần đầu tiên cấp phép cho Google trở thành công cụ tìm kiếm trong trình duyệt Safari của mình vào năm 2002 và không cần tiền cũng như không độc quyền. Ông cho biết, ba năm sau, Google tiếp cận Apple để đề xuất thỏa thuận chia sẻ doanh thu.
Theo Kenneth Dintzer, vào năm 2007, Apple muốn cung cấp một màn hình cho phép người dùng chọn giữa Google và Yahoo. Thế nhưng, Google đã trả lời qua email: “Không có vị trí mặc định, không chia sẻ doanh thu”, Kenneth Dintzer nói.
“Đây là một cách mà một người độc quyền thể hiện sức mạnh”, ông cho hay và nói thêm rằng Apple không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ Google.
Theo Kenneth Dintze, đến năm 2020, Google đã phải trả từ 4 tỉ đến 7 tỉ USD cho Apple để công cụ tìm kiếm của mình trở thành mặc định trên Safari.
Ngân hàng Bernstein đã ước tính rằng Google có thể trả cho Apple tới 19 tỉ USD trong năm 2023 theo thỏa thuận, dù các điều khoản chính xác vẫn chưa được tiết lộ.
Ngày 14.9, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra lập luận rằng Google tìm cách đạt được các thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ di động để giành được các vị trí mặc định trên smartphone và thống trị mảng tìm kiếm.
Chính phủ Mỹ cho biết Google đã trả 10 tỉ USD hàng năm cho các công ty như AT&T; hãng sản xuất thiết bị như Apple và nhà sản xuất trình duyệt như Mozilla để chống lại các đối thủ và giữ thị phần công cụ tìm kiếm của mình đến 89%.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng cáo buộc rằng Google đã thực hiện các bước bất hợp pháp để bảo vệ thông tin liên lạc về các khoản thanh toán.
Cuộc chiến trên có ý nghĩa lớn với Big Tech (các hãng công nghệ lớn), vốn bị cáo buộc mua hoặc bóp nghẹt các đối thủ nhỏ nhưng đã tự bảo vệ mình bằng cách nhấn mạnh rằng các dịch vụ của họ là miễn phí, như trường hợp của Google, hoặc Amazon.
Phiên tòa xét xử độc quyền là vụ đầu tiên chính phủ liên bang chống lại một hãng công nghệ Mỹ trong hơn hai thập kỷ. Bộ Tư pháp và 52 tổng chưởng lý từ các bang cùng vùng lãnh thổ Mỹ cáo buộc Google duy trì sự độc quyền của mình một cách bất hợp pháp bằng cách trả hàng tỉ USD cho các đối thủ công nghệ, hãng sản xuất smartphone và nhà cung cấp dịch vụ không dây để đổi lấy việc được đặt làm tùy chọn mặc định trên điện thoại di động và trình duyệt web.
Các vụ kiện chống độc quyền lớn trước đây như Microsoft (khởi kiện vào năm 1998) và AT&T (khởi kiện vào năm 1974). Sự chia tách của AT&T vào năm 1982 được cho đã mở đường cho ngành công nghiệp điện thoại di động hiện đại, trong khi trường hợp của Microsoft mở đầu cho các vụ kiện chống độc quyền lớn hơn nhắm vào Google và những hãng khác trên internet.