19 tập đoàn, tổng công ty thuộc 'siêu ủy ban' có doanh thu tương đương 20% GDP
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:30, 26/09/2023
Thông tin trên được ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (uỷ ban) chia sẻ tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước - nhìn lại và hướng tới" vào ngày 26.9.
So với năm 2018 (thời điểm các đơn vị chuyển về ủy ban), theo tổng hợp báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỉ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỉ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỉ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỉ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước). Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hằng năm có sự tăng trưởng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỉ đồng, chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt 103 nghìn 310 tỉ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỉ đồng.
Các tập đoàn lớn cũng giữ vai trò chi phối trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Chẳng hạn, các nhà máy điện của EVN, PVN và TKV cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho đất nước. Trong lĩnh vực xăng dầu, các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị do doanh nghiệp nhà nước sở hữu đóng góp hơn 84% thị phần bán lẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định các doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỉ đồng. Nhìn chung, hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số, các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao...
"Với việc quản lý 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỉ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỉ đồng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước, ủy ban cần thực hiện vai trò của người nhạc trưởng trong việc điều phối, huy động nguồn lực của 19 doanh nghiệp phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Trung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng thời gian tới cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm "Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá".
"Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn... là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn", Thứ trưởng Trung góp ý.