Siêu máy tính Dojo có thể giúp giá trị thị trường của Tesla tăng gần 600 tỉ USD
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:55, 11/09/2023
Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng Morgan Stanley, siêu máy tính Dojo có thể giúp giá trị thị trường của Tesla tăng gần 600 tỉ USD bằng cách thúc đẩy việc áp dụng robotaxi (taxi không người lái) và các dịch vụ phần mềm của hãng.
Dự báo này của Morgan Stanley giúp cổ phiếu của Tesla tăng 6% trong giao dịch tiền thị trường ở Mỹ vào ngày 11.9.
Hiện là hãng ô tô có giá trị nhất thế giới, Tesla đã bắt đầu sản xuất siêu máy tính Dojo để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) cho ô tô tự lái vào tháng 7 và có kế hoạch chi hơn 1 tỉ USD cho Dojo trong năm 2024.
"Chúng tôi sẽ chi ra hơn 1 tỉ USD để phát triển Dojo trong năm tới. Đây sẽ là dự án quan trọng của Tesla", Elon Musk tuyên bố với các cổ đông của công ty. Giám đốc điều hành Tesla thậm chí còn có tham vọng phát triển Dojo trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Dojo có thể mở ra các thị trường tiềm năng mới "trải rộng xa hơn việc bán ô tô với giá cố định," các nhà phân tích của Morgan Stanley dẫn đầu bởi chuyên gia Adam Jonas cho biết trong một ghi chú vào ngày 10.9.
"Nếu Dojo có thể giúp ô tô 'nhìn thấy' và 'phản ứng' thì những thị trường nào khác có thể mở ra nữa? Hãy nghĩ đến bất kỳ thiết bị nào ở rìa camera có thể đưa ra quyết định theo thời gian thực dựa trên hình ảnh", Adam Jonas cho hay.
Morgan Stanley xem cổ phiếu Tesla là "lựa chọn hàng đầu" của họ trong ngành ô tô, thay thế cho cổ phiếu Ferrari (Ý) niêm yết tại Mỹ.
Morgan Stanley đã nâng mục tiêu 12 - 18 tháng tới với giá cổ phiếu Tesla tăng 60% lên 400 USD, trích dẫn dữ liệu của LSEG mà theo ước tính sẽ mang lại cho hãng sản xuất ô tô điện Mỹ giá trị thị trường khoảng 1,39 ngàn tỉ USD. LSEG là công ty thông tin tài chính và trao đổi chứng khoán có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Con số này cao hơn khoảng 74% so với giá trị thị trường hiện tại của Tesla là khoảng 825 tỉ USD. Cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 6% lên mức 263,3 USD vào thời điểm viết bài hôm 11.9.
Adam Jonas kỳ vọng Dojo sẽ mang lại nhiều giá trị nhất cho phần mềm và dịch vụ. Morgan Stanley đã nâng ước tính doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ mạng của Tesla lên 335 tỉ USD vào năm 2040, từ mức 157 tỉ USD trước đó.
Adam Jonas hy vọng đơn vị này sẽ chiếm hơn 60% thu nhập cốt lõi của Tesla vào năm 2040, tăng gần gấp đôi so với năm 2030.
"Sự gia tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi cơ hội mới nổi mà chúng tôi thấy trong việc cấp phép cho đội xe của bên thứ ba, ARPU (doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi người dùng) tăng lên", Adam Jonas lý giải.
Tỷ lệ P/E 12 tháng của Tesla là 57,9, vượt xa nhà sản xuất ô tô truyền thống Ford ở mức 6,31 và General Motors ở mức 4,56, theo dữ liệu LSEG.
Tỷ lệ P/E là tỷ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu và tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần, hay cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Dojo là siêu máy tính do Tesla xây dựng hoàn toàn, sử dụng chip do chính công ty này phát triển. Mục đích của Dojo là để xử lý hàng triệu terabyte dữ liệu video các tình huống giao thông thực tế do ô tô điện Tesla ghi lại, giúp huấn luyện các hệ thống AI của Tesla, nhằm nâng cao tính năng tự lái của công ty.
Ngoài tính năng tự lái tích hợp trên ô tô Tesla, Dojo cũng giúp phát triển các mô hình trí AI có thể sử dụng trên mẫu robot hình người Optimus của Tesla. Dojo cũng dự kiến được sử dụng để tăng năng suất sản xuất trong các nhà máy của Tesla.
Không chỉ là hãng ô tô điện đơn thuần, Tesla dưới sự lãnh đạo của Elon Musk cho thấy tham vọng mở rộng lĩnh vực hoạt động, bao gồm sản xuất robot hình người, siêu máy tính và không loại trừ khả năng sẽ gia nhập vào cuộc đua phát triển AI trong tương lai.
Hồi tháng 7, Elon Musk đã thành lập công ty AI mang tên xAI. Chưa rõ Elon Musk có dự định tận dụng Dojo để phục vụ cho các dự án tại xAI hay không.
Siêu máy tính là hệ thống máy tính cỡ lớn, có thể chiếm toàn bộ một căn phòng hoặc thậm chí cả một tòa nhà, sử dụng hàng chục ngàn vi xử lý để xử lý và phân tích những luồng dữ liệu khổng lồ.
Các siêu máy tính thường được sử dụng để nghiên cứu khoa học, thiên văn, vũ trụ, dự báo tác hại của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mô phỏng một vụ nổ hạt nhân hoặc nghiên cứu để chữa trị các căn bệnh nan y trên con người...
Siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện tại là Frontier, được hoàn thành vào năm 2021. Siêu máy tính này hiện được lắp đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (thành phố Oak Ridge, bang Tennessee, Mỹ).
Theo danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay, Mỹ sở hữu số lượng siêu máy tính góp mặt nhiều nhất với 150 cái tên, xếp sau đó là Trung Quốc với 134 đại diện. Singapore và Thái Lan là hai nước Đông Nam Á có những siêu máy tính góp mặt trong top 500, trong đó Singapore có 3 đại diện và Thái Lan có 1 cái tên.