Lệnh cấm iPhone của Trung Quốc khiến nhân viên lo không được dùng mọi thiết bị Apple

Thế giới số - Ngày đăng : 15:15, 11/09/2023

Lệnh cấm iPhone ngày càng gia tăng trong các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khiến các nhân viên văn phòng lo lắng chủ của họ có thể bắt đầu tham gia vào phong trào chống Apple.

Một số cơ quan và công ty nhà nước đang yêu cầu nhân viên ngừng mang các thiết bị của Apple đến văn phòng dù chính phủ Trung Quốc chưa chính thức công bố lệnh cấm như vậy, trang Bloomberg và The Wall Street Journal đưa tin.

Một số nhân viên nói với Bloomberg rằng Trung Quốc có ý định áp dụng những hạn chế này với nhiều doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức liên quan đến chính phủ hơn.

Khi tin tức về lệnh cấm dùng iPhone lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tuần trước, một số nhân viên văn phòng lo ngại sếp cũng có thể muốn họ ngừng sử dụng iPhone trong bối cảnh có không có bằng chứng cho thấy Mỹ có thể theo dõi người Trung Quốc thông qua các thiết bị của Apple.

Nhiều người đã chia sẻ cảm xúc của mình trên mạng xã hội Weibo.

Nơi làm việc không cho phép sử dụng thiết bị Apple, vì vậy tôi đã mua một chiếc Redmi để tránh rắc rối”, một người dùng Weibo viết.

"Buồn cười. Nhà tuyển dụng sẽ không cho sử dụng iPhone nữa. Điện thoại tôi mua năm 2018 vẫn không hề bị lag. Chỉ là pin không bền thôi. Đổi sang máy mới phí quá", một người dùng iPhone chia sẻ.

"Các văn phòng không cho phép bạn sử dụng thiết bị Apple nữa. Tôi ghét điều này", một người khác viết.

Những người khác cho hay công ty đã yêu cầu họ mua một chiếc smartphone khác, nhưng không rõ có bao nhiêu người trong số này làm việc tại các công ty nhà nước hoặc tư nhân.

"Nơi làm việc của chồng tôi không cho anh ấy sử dụng iPhone nữa vì sợ rò rỉ thông tin. Anh ấy buộc phải mua một thiết bị địa phương", một người phụ nữ viết và than thở rằng cô không thể tìm thấy Huawei Mate 60 Pro để mua.

Một người khác cho biết vừa xếp hàng để đặt mua một chiếc iPhone mới toanh để làm việc vào cuối tuần qua và viết hôm 11.9: “Hôm nay, tôi đến văn phòng và nghe nói rằng công ty không cho tôi sử dụng điện thoại Apple nữa”.

Blogger Sister Ka viết: "Bạn bị căng thẳng hơn nữa nếu thu nhập của mình không cao". Sister Ka nói rằng cô không còn được phép sử dụng iPhone tại nơi làm việc và xin gợi ý về một chiếc smartphone thứ hai.

Nếu người tiêu dùng ở Trung Quốc đang muốn từ bỏ Apple, Mate 60 Pro của Huawei có thể là sự lựa chọn thay thế. Mate 60 Pro và Pro+ có màn hình và pin lớn hơn iPhone 15 Pro cao cấp sắp ra mắt. Smartphone 5G mới của Huawei cũng có camera độ phân giải cao và giá thành thấp hơn so với đối thủ tại Mỹ.

Trong khi đó, blog Digital Tech Boom (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông) lại cảnh cáo những người phàn nàn về các lệnh cấm. Trang này viết: “Nhân viên có thông tin mật thường phải tuân theo một số yêu cầu về điện thoại. Nếu không thích, bạn có thể thay đổi công việc của mình. Dù vậy, rất nhiều công ty không quan tâm bạn sử dụng điện thoại gì".

lenh-cam-iphone-cua-trung-quoc-khien-nhan-vien-lo-khong-duoc-dung-moi-thiet-bi-apple.jpg
Khách hàng dùng thử Mate 60 tại cửa hàng hàng đầu của Huawei tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Quy mô thực sự từ tác động tiêu cực của lệnh cấm iPhone vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc có hơn 56 triệu nhân viên vào năm 2021 trên 150.000 công ty nhà nước, gồm cả các công ty năng lượng, ngân hàng và tập đoàn xây dựng, theo đài CGTN.

Song ngay cả giữa các cơ quan chính phủ, công ty cá nhân và chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng có xu hướng giải thích và thực thi các lệnh cấm dùng iPhone ở mức độ rất khác nhau.

Trang Nikkei đưa tin rằng ít nhất một công ty liên quan đến nhà nước cũng bắt đầu yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng AirPods và Apple Watch tại nơi làm việc.

Apple gần đây đã thống trị thị trường smartphone ở Trung Quốc, với iPhone chiếm 1/4 tổng số điện thoại di động được bán tại nước này trong quý 4/2022, theo công ty nghiên cứu Counterpoint (Hồng Kông).

Báo cáo từ Counterpoint Research cho biết, Samsung Electronics và Apple thống trị thị trường smartphone toàn cầu trong quý 2/2023, đồng thời dẫn đầu phân khúc ĐTDĐ cao cấp khi ngành này chứng kiến doanh số bán hàng trên toàn thế giới giảm trong quý thứ 8 liên tiếp.

Samsung Electronics đứng đầu doanh số smartphone toàn ngành trong quý 2/2023 với 22% thị phần, nhờ hiệu suất mạnh mẽ của dòng Galaxy A toàn cầu. Tuy nhiên, gã khổng lồ Hàn Quốc đã chứng kiến tổng doanh số bán smartphone trong quý 2/2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là công ty có giá trị nhất thế giới, Apple đã ghi nhận thị phần smartphone trong quý 2/2023 cao nhất từ trước đến nay ở mức 17%, theo Counterpoint Research.

Tổng doanh số smartphone toàn cầu của Apple đã giảm 2% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sức mạnh của Apple trong phân khúc cao cấp giúp doanh số smartphone ở Ấn Độ tăng trưởng kỷ lục 50% vào quý 2/2023. Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Hiệu suất bán smartphone mạnh mẽ của Samsung Electronics và Apple đã nhấn mạnh rằng phân khúc cao cấp trên thị trường smartphone toàn cầu (giá từ 600 USD) không bị ảnh hưởng như những mẫu máy giá thấp hơn.

Theo Counterpoint Research, hơn 1/5 smartphone được bán trên toàn cầu trong quý 2/2023 thuộc về phân khúc cao cấp. Đây là phân khúc duy nhất tăng trưởng trong giai đoạn này.

Counterpoint Research nhận định: "Thị trường smartphone toàn cầu dường như đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng”. Báo cáo cho thấy người tiêu dùng giữ thiết bị của họ lâu hơn do kinh tế tăng trưởng chậm lại, điều này làm giảm nhu cầu cho các smarthone tầm trung và cấp thấp.

Apple vật lộn với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc trước khi ra mắt dòng iPhone 15

Apple đang cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi ra mắt dòng iPhone 15.

Đây là dự án đầy rủi ro và sẽ thử nghiệm xem các tính năng mới của dòng iPhone 15 có thể thúc đẩy ngành công nghiệp điện thoại di động thoát khỏi suy thoái không.

Buổi ra mắt sản phẩm dự kiến được phát trực tuyến trên toàn cầu từ trụ sở chính của Apple lúc 0 giờ ngày 13.9 (giờ Việt Nam), nhưng có nguy cơ bị lu mờ bởi tình trạng bất ổn ở Trung Quốc - thị trường quốc tế lớn nhất của Apple. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang phải vật lộn với lệnh cấm các nhân viên chính phủ sử dụng iPhone ngày càng mở rộng và smartphone Mate 60 Pro của Huawei đang tạo ra sự cạnh tranh ở Trung Quốc.

Thế nhưng, mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất với Apple có thể là điều gì đó mơ hồ hơn: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khiến người tiêu dùng tránh xa iPhone và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác.

Đây là điều mà Apple từng phải đối mặt trước đây. Gần 5 năm trước, Apple không đạt được dự báo doanh số iPhone XS và XR vào kỳ nghỉ lễ do doanh số bán hàng yếu ở Trung Quốc. Apple công khai đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế địa phương. Thế nhưng, trong email nội bộ gửi tới hội đồng quản trị công ty, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook trích dẫn chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ địa phương.

Vào thời điểm đó, chính quyền Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại và căng thẳng Mỹ - Trung khiến hoạt động của công ty nước ngoài phụ thuộc nhiều vào quốc gia châu Á này trở nên khó khăn. Doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ của Apple giảm trong các năm tài chính 2019 và 2020 trước khi tăng trở lại vào 2021. Apple tạo ra khoảng 1/5 doanh thu từ Trung Quốc, cũng là trung tâm chuỗi cung ứng của công ty.

Câu hỏi bây giờ là liệu Apple có rơi vào tình cảnh tương tự như năm 2019 hay không. Các hạn chế ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc là dấu hiệu đáng lo ngại. Nhân viên các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước đang bị cấm sử dụng iPhone trong văn phòng.

Sơn Vân