Chưa cần thiết giảm thêm lãi suất điều hành trong quý 3/2023
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:30, 09/09/2023
Báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động tiếp tục có một nhịp giảm mạnh trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn rất chậm.
Trong tháng 8, lãi suất huy động các kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 30-50 điểm cơ bản, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân giảm nhiều hơn 50-100 điểm cơ bản.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tuỳ kỳ hạn và như vậy đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của NHNN. Song song với đó, tín dụng tăng khá thấp trong hai tháng đầu của quý 3, sau khi giảm trong tháng 7, tín dụng đã phục hồi trong tháng 8.
Tính đến ngày 24.8.2023, tín dụng ước tăng 5,03% so với đầu năm, quy mô tín dụng tăng thêm trong hai tháng chỉ khoảng 40 nghìn tỉ đồng. Mặc dù tín dụng thường yếu trong khoảng đầu quý 3, diễn biến năm nay cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu.
“Chúng tôi cho rằng nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới”, VDSC nhận định.
Hiện tại, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9.2022, duy chỉ còn lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là đang cao hơn 30 điểm cơ bản so với thời điểm tháng 9.2022. Tuy nhiên, nếu so với mức lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn COVID-19, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn khoảng 30-100 điểm cơ bản.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong suốt tháng 8. Ngoài ra, tháng 9 là một trong những tháng đỉnh điểm về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản với quy mô đáo hạn khoảng 27 nghìn tỉ đồng.
Theo quan sát của đơn vị này, hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể trong tháng 8, cùng với hoạt động đàm phán về kỳ hạn trả nợ và lãi vay của các tổ chức phát hành vẫn đang diễn ra tương đối tích cực. Theo đó, vấn đề TPDN đáo hạn có thể sẽ không tạo ra nhiều áp lực thanh khoản đối với hệ thống trong tháng 9.
VDSC cho rằng mặc dù nhu cầu tín dụng tháng 9 tiếp tục phục hồi, thông tư 06 sửa đổi theo hướng tiếp tục nới lỏng điều kiện cho vay sẽ tạo tiền đề giúp thanh khoản hệ thống ổn định.
Tổng hợp diễn biến lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại như đã đề cập ở trên, đơn vị này cho rằng sẽ chưa cần thiết để NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý 3/2023.
Chung quan điểm, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không nên giảm thêm lãi suất, bởi việc giảm lãi suất quá nhiều cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá, dù cho điều này có thể trái với kỳ vọng của không ít doanh nghiệp.
Ông Hiếu cũng cho rằng dư địa của chính sách tiền tệ vốn không còn nhiều. Ngoài ra không ít doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng hoặc “không muốn vay vốn”, vì lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, việc sản xuất kinh doanh khó khăn, hàng tồn kho lớn nên càng vay thì càng lỗ.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng việc giảm thêm lãi suất cũng không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng, mà còn có thể gây căng thẳng về tỷ giá, lạm phát có thể quay trở lại. Trong khi, giảm lãi suất dòng vốn cũng không chảy ra được nền kinh tế.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thương mại giảm khá mạnh, nhiều loại hình tín dụng, nhiều đối tượng doanh nghiệp được giảm sâu đến 2 - 3% so với lãi suất cũ, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1,3%/năm so với cuối năm 2022.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 của các ngân hàng cũng cho thấy, đến hết quý 2/2023, tăng trưởng tín dụng của VIB, Vietcombank, ACB, Sacombank, BIDV lần lượt đạt 0,8%, 2,7%, 4,9%, 5%, 6,7% trên tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng 14,25%, 9,7%, 15%, 11%, 14,5% của cả năm.
Báo cáo của Chứng khoán VNDIRECT cho biết tong thời gian qua, lãi suất tiền gửi giảm mạnh do các yếu tố như nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động, tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Mặt khác, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1,0 điểm % so với cuối năm ngoái.
Theo kỳ vọng của VNDirect, trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang sụt giảm nhanh trong thời gian qua. Theo dự báo của đội ngũ phân tích, lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 100-150 điểm cơ bản trong quý 4 và đó là lực đẩy chính cho sự hồi phục của đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Dẫu vậy, đội phân tích vẫn nhận định rằng các nhà đầu tư cần thận trọng với biến động của tỷ giá đợt cuối năm. Sức ép tỷ giá đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục giảm do lãi suất điều hành của Fed có thể ở vùng đỉnh tới hết năm, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.